SHTT còn bị xem nhẹ
SHTT, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu là quyền pháp lý rất quan trọng của các chủ thể. Ông Lương Minh Huân - Viện Phát triển DN (VCCI) nêu quan điểm, SHTT có thể tạo ra thu nhập cho DN thông qua chuyển giao quyền sử dụng, bán hoặc thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT mà những sản phẩm, dịch vụ đó có thể nâng cao thị phần hoặc biên độ lợi nhuận cho DN.
Ngoài ra, một điểm cực kỳ quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT là biến những tài sản vô hình thành các quyền sở hữu độc quyền. Giá trị tài sản vô hình đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, quan trọng và tạo ra nhiều giá trị cho DN. Các DN muốn xuất khẩu được ra nước ngoài thì phải tìm cách để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu, các chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, giá trị của SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và chưa được DN nhận thức đúng mức. Hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT cho DN tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay.
Báo cáo chỉ số SHTT quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm một bậc so với năm 2021. Ngoài ra, nếu so sánh với con số hơn 860.000 DN đang hoạt động trên thị trường thì số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn.
Giám đốc Phát triển kinh doanh và Quan hệ chính phủ của sàn thương mại điện tử Alibaba.com Vũ Thế Tùng cho rằng, các DN Việt Nam đang có một lợi thế rất lớn để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cũng như giá trị toàn cầu. SHTT sẽ hỗ trợ cho việc này bởi nó đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia. Một công ty bảo mật tốt về công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa sẽ tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư lớn và có cơ hội nhận được chuyển giao công nghệ. Với một quốc gia vững chắc về SHTT sẽ có cơ hội tiếp nhận những công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn so với một quốc gia chậm phát triển và hệ thống SHTT lỏng lẻo.
Tuy nhiên, tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhận thức của người dân về SHTT vẫn còn hạn chế, thậm chí bị xem nhẹ… có rất nhiều các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh nhưng không ý thức phải đăng ký nhãn hiệu. Trong thực tế, nhiều DN Việt Nam đã bị mất quyền SHTT ngay trên lãnh thổ Việt Nam vì lý do đăng ký bảo hộ muộn.
Để SHTT vào cuộc sống
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, trong thời đại của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền SHTT lại càng trở nên phức tạp. Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet.
Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ. Quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó.
Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy cho biết, qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về SHTT, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Vì vậy, Luật SHTT đã được đề xuất sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập thực tiễn và nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, các DN cần phải bảo đảm sẵn sàng giải quyết những thách thức, và áp dụng các biện pháp nhằm khai thác tài sản trí tuệ của họ và bảo hộ những tài sản đó ở bất cứ đâu có thể. Giống như tài sản hữu hình, tài sản trí tuệ phải có được, duy trì, kiểm toán, định giá, kiểm soát một cách chặt chẽ và quản lý một cách cẩn thận để khai thác giá trị một cách đầy đủ.
Hiện nay, ngoài tuyên truyền, phổ biến cho các nhóm chủ thể có liên quan, Cục SHTT đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo kế hoạch mà trước mắt là việc sửa đổi một số nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT…
Còn theo luật sư Nguyễn Thị Thu Hà – luật sư thành viên của Công ty Luật Vision & Associates cho rằng, cả cơ quan Nhà nước và DN đều phải có trách nhiệm trong việc thực thi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT có hiệu lực. Các cơ quan Nhà nước cần có những hoạt động phổ biến pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo liên quan đến SHTT vì đây là luật chuyên ngành.
Ngoài ra, chính các DN cũng phải chủ động trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật SHTT, tìm hiểu thông tin và có những tư vấn từ luật sư để vận dụng tốt nhất các quy định đó cho mình, chứ không chờ đợi sự cung cấp dịch vụ hay sự giải thích từ các cơ quan Nhà nước.