Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo “Cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và sản xuất trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 20/10.
Thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, việc Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định FTA, TPP đã tạo cơ hội cho DN tiếp cận một thị trường rất lớn, với sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của hơn 2 tỷ người tiêu dùng, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu và GDP của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Chẳng hạn với Hiệp định TPP, kim ngạch xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Đối với một số ngành hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản… kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng đáng kể khi được hưởng thuế suất là 0%. Quá trình hội nhập kinh tế thế giới cũng tạo ra thời cơ mới, thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ các nước thuộc EU, Nhật Bản, nhất là Mỹ đổ vào Việt Nam.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Mặc dù hội nhập mang lại cơ hội cho DN, nhưng đòi hỏi DN cần nắm bắt, tìm hiểu kịp thời để thích nghi và tận dụng. Tuy nhiên, hội nhập cũng đồng thời là mở cửa thị trường, cho phép DN nước ngoài tăng cường sự hiện diện, nhất là xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, từ đó tạo ra sức cạnh tranh và sức ép đối với DN trong nước.
Để có thể hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng đòi hỏi các DN Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối với những DN lớn của nước ngoài, qua đó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. “Nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, các DN cần nhận thức và đảm bảo đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật, nhất là tại các thị trường phát triển. Đồng thời nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách, từ đó xây dựng kế hoạch điều chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh” - TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cảnh báo.
Ảnh minh họa
|