Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hôm nay, ngày 24/6, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương được đánh giá thông qua triển khai điều tra xã hội học với quy mô trên 22.500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương và trên 36.600 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội...

Chiều nay, 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS).
Theo đó, đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2020 bao gồm: Trung ương gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trong đó có 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại). Địa phương gồm 63 UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC được đánh giá thông qua triển khai điều tra xã hội học (XHH) với quy mô trên 22.500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương và trên 36.600 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội là một cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và ngoài cơ quan, tổ chức.
So sánh giá trị trung bình Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế cho thấy, trong năm 2020, cả 6 vùng kinh tế đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng cao hơn năm 2019 và đều đạt giá trị trên 80%. Trong đó, giá trị trung bình cao nhất là vùng kinh tế Đông Nam Bộ với kết quả đạt 85,88%; tiếp theo là khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 85,51%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng kinh tế đạt giá trị thấp nhất, với kết quả 81,41%.
 Công chức bộ phận Một cửa Bộ Nội vụ tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính
Về so sánh sự tăng trưởng giữa các vùng kinh tế, Đông Nam Bộ cũng là vùng có sự tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, với giá trị trung bình cao hơn 3,86% so với năm 2019. Khu vực Tây Nguyên có sự tăng trưởng đáng kể, với giá trị trung bình đạt 82,2% cao hơn 2,57% so với năm trước nhờ bứt phá cả về điểm số và thứ hạng của các địa phương thuộc khu vực này. Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung có giá trị tăng trưởng thấp nhất so với 5 vùng kinh tế còn lại, chỉ cao hơn 0,63% so với năm trước.
Theo Bộ Nội vụ, trong 9 năm qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định thực tế là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho CCHC Nhà nước giai đoạn tiếp theo.
* Cũng tại buổi lễ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ sẽ công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS).
Năm 2020, Bộ Nội vụ phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của UBND 63 tỉnh, TP đã khảo sát ý kiến của 35.268 người dân và tổ chức từ hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã thuộc hơn 600 đơn vị hành chính cấp huyện của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ tư Bộ Nội vụ phối hợp các cơ quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Qua đó nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công (DVC) của các cơ quan hành chính nhà nước, thông qua đó giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được thực trạng chất lượng dịch vụ công, nhu cầu, mong đợi của người dân và tổ chức để xác định, thực hiện những biện pháp cải thiện chất lượng DVC, chất lượng phục vụ người dân và tổ chức, mang lại sự hài lòng cho người dân và tổ chức.
Cũng như các năm trước, Chỉ số SIPAS 2020 cung cấp một bộ các chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá mức độ hài lòng và nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với 16 nhóm DVC thuộc 8 nhóm lĩnh vực được cung ứng tại 3 cấp hành chính ở địa phương. Trong giai đoạn 2017-2020, Chỉ số SIPAS nói chung tăng dần qua mỗi năm, từ 80,90% lên 85,48%; khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh có chỉ Chỉ số hài lòng cao nhất và tỉnh có chỉ Chỉ số hài lòng thấp nhất được thu hẹp dân, từ 28,05% còn 20,08%.