Hơn 10 người tử vong vì ngộ độc rượu tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong vòng 15 ngày, tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn đến hơn 10 người tử vong.

Đang điều tra nguyên nhân ngộ độc
Ngày 16/10, các cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến 3 người tại huyện Nhơn Trạch tử vong vì ngộ độc rượu.
Không uống khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt không uống rượu pha cồn công nghiệp methanol vì rất dễ tử vong khi bị ngộ độc. Ảnh minh họa.
Trước đó vào ngày 5/10, tại nhà bà Thạch Thị Vinh có 10 người ăn Tết của người Khơme, trong bữa tiệc có uống rượu. Đến ngày 7/10, ông Huỳnh Văn Phong (SN 1970) và chị Y Sinh (SN 1980, cả 2 người đều là khách trong bữa tiệc nhà bà Vinh) xuất hiện triệu chứng mệt mỏi nên đến một phòng khám để truyền nước. Tuy nhiên, cả 2 người đều có diễn biến xấu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành và Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch.
Chiều 7/10, ông Phong và chị Sinh tử vong. Trường hợp ông Phong được người thân cam kết không khiếu nại, không đồng ý giải phẫu tử thi mà đưa về nhà mai táng. Còn chị Sinh đã được giải phẫu tử thi, đang chờ kết luận nguyên nhân tử vong. Trong chiều 7/10, đến lượt bà Vinh cùng ông Sơn Đơ (khách dự tiệc) cũng bị mệt trong người, nên cả 2 đến phòng khám tại xã Long Thọ để truyền nước nhưng sau đó được chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch để điều trị.
Trong ngày 7/10, Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Thạch Thắng cũng trong mệt mỏi, nôn ói. Người nhà ông Thắng cho biết ngày 6/10, ông có nhậu. Sau đó bệnh nhân Thắng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai để tiếp tục cấp cứu và điều trị, nhưng Bệnh viện kết luận ông Thắng đã chết não do ngộ độc Methanol. Do đó, người thân của bệnh nhân xin chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhưng ông Thắng tử vong trên đường đi.
Còn trường hợp bà Vinh cùng ông Sơn Đơ được xuất viện vào ngày 11/10. Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ ngày 7/10 - 13/10, có 16 ca ngộ độc rượu tại huyện Nhơn Trạch, trong đó 6 ca đã xuất viện, 7 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, 3 ca tử vong.
Sau khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã thu được 8 mẫu rượu trắng, rượu chuối hột, bịch táo mèo dùng để ngâm rượu tại khu nhà trọ nơi bà Thạch Thị Vinh sinh sống, 2 tiệm tạp hóa và tại lò rượu Nguyễn Thị Thủy. Tất cả các mẫu rượu đều được gửi đi xét nghiệm.
Không uống rượu pha cồn công nghiệp methanol
Còn tại TP Hồ Chí Minh từ đầu tháng 10/2021, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng liên tục tiếp nhận cấp cứu hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu. Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận 12 bệnh nhân, có 6 ca tử vong, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 10 ca, trong đó 1 ca tử vong trên đường vào bệnh viện, 3 ca trở nặng nên người nhà xin đưa về lo hậu sự, 3 ca qua được giai đoạn nặng nhưng vẫn tiếp tục được điều trị bằng phương pháp rửa dạ dày, dùng thuốc giải độc, thở máy, lọc máu.
Tất cả những trường hợp vào cấp cứu đều có chung biểu hiện ói, rối loạn tri giác, khó thở, suy hô hấp, lơ mơ, hôn mê… Sau khi xét nghiệm đều có kết quả nồng độ methanol trong máu rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sung - Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết ngộ độc rượu nấu rất ít gặp, nếu có cũng không đến nỗi tử vong, chỉ xỉn rồi tỉnh. Trong nhiều ca được đưa vào bệnh viện để cấp cứu thường gặp là say rượu rồi bị tai nạn, hoặc say rượu rồi đánh nhau. Rất ít trường hợp say xỉn đến mức người nhà phải đưa vào.
“Nếu gặp say xỉn đưa vào cấp cứu với các triệu chứng đau đầu, ói…, cần phải xem lại rượu. Y học khẳng định những trường hợp như vậy thường uống phải rượu pha chế từ cồn công nghiệp methanol, đây là loại rất độc hại”, bác sỹ Nguyễn Văn Sung, cho biết.
Bác sĩ Sung cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả của ngộ độc rượu: “Nếu bị nhẹ sẽ dễ mất lý trí, dễ tức giận, gây gổ đánh nhau. Còn nặng sẽ bị ói nhiều, toát mồ hôi, mạch nhanh, hạ huyết áp, hôn mê…, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Người nào uống rượu lâu ngày sẽ bị nghiện rượu, mất trí nhớ, bị tâm thần, nặng hơn là bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim. Phụ nữ mang thai nếu uống nhiều rượu sẽ gây ngộ độc cho thai nhi và có thể bị sinh non, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần trí tuệ của đứa trẻ. Do đó, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không uống rượu pha cồn công nghiệp methanol, vì khi ngộ độc có thể dẫn đến mù mắt (nếu nhẹ) và tử vong. Tuyệt đối không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc chữa bệnh”.