Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu năm đến nay tổng diện tích vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen trên 388 ha.
Lũy kế diện tích nhiễm sâu đầu đen trên vườn dừa từ trước đến nay trên 2.680 ha; trong đó, có hơn 2.100 ha đã phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tư (70 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết: loại sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa nên phun xịt rất khó khăn. Sâu ăn hết biểu bì màu xanh làm lá mỏng và khô đi. Chúng ăn hết lá già đến lá non, rồi đến trái, kể cả những cây dừa con mới nhô khỏi mặt đất cũng có thể bị ăn trụi.
Trong vườn dừa của gia đình, bà Tư may mắn chỉ có 0,1ha. Để giữ vườn dừa, tháng nào bà cũng phải thuê người xịt thuốc sâu 2 lần, tốn kém rất nhiều.
"Vườn ở quanh nhà, xịt thuốc cũng ảnh hưởng sức khỏe lắm, nhưng không xịt thì cây chết. Năm ngoái trái bị rụng rất nhiều, cây vẫn chưa hồi lại được năng suất, có thể sẽ bị ảnh hưởng thêm vài năm nữa." - bà Tư than thở.
Đối diện với huyện Giồng Trôm, ở phía bờ Tây sông Bến Tre là huyện Châu Thành. Những vườn dừa bạt ngàn nơi đây cũng đang bị sâu đầu đen tấn công nghiêm trọng, dọc đường lớn có thể thấy những khu vườn chết trắng nối tiếp nhau.
Vườn dừa của gia đình ông Mai Văn Bình (45 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) đã bị sâu ăn cháy lá, chết trắng. Ông Mai Văn Bình cho biết, những cây dừa của ông mới 10 năm tuổi, đang độ sung và cho trái rất tốt, nhưng chỉ sau một trà sâu thì không còn lại gì.
Gần vườn của ông Bình, có chừng vài ha vườn của những nhà lân cận cũng đã bị sâu ăn chết sạch. Có nhà bất lực bỏ mặc khu vườn, có nhà đã đốn cây để trồng lớp dừa mới.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã có nhiều biện pháp như phun xịt thuốc. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Khoanh vùng điểm phóng thích ong kí sinh không phóng thích đan xen giữa sinh học và hóa học, đảm bảo nguồn ong phát triển ngoài tự nhiên đủ kiểm soát sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, kết quả nhân nuôi ong ký sinh từ đầu tháng 1-4/2024, tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Giồng Trôm, Trung Tâm Giống và Hoa kiểng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đạt so với kế hoạch (2 triệu ong ký sinh/tháng/đơn vị nhân nuôi). Tuy nhiên, một số huyện Châu Thành, Bình Đại, Thạnh Phú tiến độ nhân nuôi còn chậm so với kế hoạch đề ra.