Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 400 nghìn HS được dạy cách “tránh” nạn buôn bán người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục đích của dự án là trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh về cách bảo vệ mình trước nguy cơ bị bọn buôn người lừa gạt.

KTĐT - Mục đích của dự án là trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh về cách bảo vệ mình trước nguy cơ bị bọn buôn người lừa gạt khi tham gia vào các luồng di cư tìm việc làm ở nội địa cũng như ở ngoại quốc sau tốt nghiệp.

Hơn 400 nghìn HS tại các trường THCS và trung tâm học tập Cộng Đồng tại ĐBSCL sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về di cư an toàn (làm việc xa nhà) để phòng ngừa vấn nạn buôn bán người hiện đang rất nhức nhối tại khi vực này.

Đó là thông tin từ dự án “Phòng ngừa nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân ở Đồng bằng Sông Cửu Long” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam -Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ & TBXH thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (Usaid) khởi động ngày 02/12 tại Hà Nội.
 

Mục đích của dự án là trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh về cách bảo vệ mình trước nguy cơ bị bọn buôn người lừa gạt khi tham gia vào các luồng di cư tìm việc làm ở nội địa cũng như ở ngoại quốc sau tốt nghiệp. Trong khuôn khổ dự án, kiến thức về di cư an toàn sẽ được lồng ghép và tích hợp vào một số bộ môn chính khoá như Giáo dục công dân và Giáo dục Hướng nghiệp trong 60 trường phổ thông (chủ yếu là trường THCS) tại ĐBSCL. Đồng thời, những kiến thức và kỹ năng truyền đạt những vấn đề này cũng sẽ được tích hợp trong một số giáo trình về hướng nghiệp của 2 trường ĐH Cần Thơ và ĐH An Giang.

Được biết, dự án “Phòng ngừa nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân ở ĐB SCL” bao gồm 2 hợp phần quan trọng. Hợp phần thứ nhất là đưa di cư an toàn vào trường học ở cộng đồng các địa phương, hợp phần này phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện. Hợp phần 2 là Xây dựng dự thảo Bộ Quy chuẩn tối thiểu Hỗ trợ và Bảo vệ nạn nhân bị buôn bán trở về. Hợp phần này phối hợp với Bộ Lao động và Thương Binh xã hội.

Hợp phần thứ nhất đã được thí điểm từ năm 2007 tại 68 trường và 17 trung tâm học tâp cộng đồng ở 5 tỉnh miền trung và miền Nam: Nghệ An, Thanh Hoá, An Giang, Cần thơ và Kiên Giang. Qua đợt thí điểm này đã có hơn 60 nghìn thanh thiếu niên được tham gia các hoạt động và tiếp cận thông tin di cư an toàn, phòng ngừa tai nạn buôn bán người. 330 giáo viên, giảng viên và lãnh đạo ngành giáo dục được tập huấn kiến thức và kỹ năng lồng ghép di cư an toàn vào trường học.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, trưởng Phòng Nghiên cứu Công nghệ Giáo dục Tiểu học, trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Giáo dục cho biết: “Có 2 đối tượng cơ sở giáo dục được chọn trong dự án này. Một là trường THCS, sở dĩ chúng tôi chọn cấp học này vì ở các tỉnh đồng bằng sông cửu long, học sinh học hết lớp 8, lớp 9 đã bỏ học đi làm ăn buôn bán mà chủ yếu là di cư đến các vùng xa. Còn đối với các em học sinh phải buộc di cư theo bố mẹ kiếm sống thì thông thường sự học chính quy bị đứt đoạn. Các em chủ yếu học ở các trung tâm học tập cộng đồng nên đó là đối tượng cơ sở giáo dục thứ 2 mà chúng tôi chọn để thực hiện. Dự án này có được một ưu điểm là không ảnh hưởng đến chương trình học của các em ở trường vì hiện tại chương trình cũng đã quá tải! ”.

GS. TS Phan Văn Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc tích hợp kiến thức và kỹ năng về di cư an toàn vào trường học là một cách làm hiệu quả.
 
"Trong thời gian tới, dự án nên mở rộng hướng tích hợp không chỉ vào bộ môn GD công dân, hướng nghiệp tại các trường THCS và TT học tập cộng đồng mà nên đưa cả vào Trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng đối với các trường đào tạo tạo sư phạm thì không chỉ có ĐH An Giang và Cần Thơ mà các trường cao đẳng đa ngành trong đó có ngành sư phạm cũng là một môi trường thuận lợi để đưa vào”, ông Kha đề nghị.

Dự án sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2011.