Ngày 9/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức họp báo công bố kết quả 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do người tiêu dùng bình chọn.
Theo đó, cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2023 do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao chủ trì thực hiện từ tháng 9/2022.
Trong điều kiện dịch Covid 19 đã được đẩy lùi, cuộc khảo sát năm nay được đẩy mạnh gia tăng phần trực tiếp phỏng vấn bên cạnh khảo sát trực tuyến như thường niên. Kết quả ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn cho các doanh nghiệp, từ: Khảo sát trực tiếp các điểm bán, khảo sát trực tiếp người tiêu dùng cùng lúc diễn ra tại những thành phố trực thuộc trung ương là các trung tâm kinh tế của các vùng miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…). Khảo sát trực tuyến (online) thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.
Thông tin từ cuộc khảo sát cho thấy, nhóm doanh nghiệp mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là các doanh nghiệp có mạng lưới phân phối khá tốt, tập trung hơn vào nhóm doanh nghiệp thực phẩm, cung ứng các sản phẩm tiêu biểu trên thị trường (doanh nghiệp đạt sản phẩm OCOP 4 sao – 5 sao, hoặc doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong thực hành sản xuất)”...
Kết quả sơ bộ: Có 677 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023. Tiếp tục quy trình, bước sang giai đoạn 2, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu, trong đó có việc tiếp nhận hồ sơ minh bạch của doanh nghiệp, gửi thư tới các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tại địa phương liên quan để ghi nhận thông tin chính thức về tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp (về chất lượng, môi trường, sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng…).
Sau hơn một tháng tiếp nhận, đánh giá: ý kiến từ 99 sở, ngành thuộc 36 tỉnh, thành phản hồi thông tin về doanh nghiệp, giải trình từ doanh nghiệp, thông tin từ giới truyền thông và người tiêu dùng…
Qua đó, đã chọn ra 519 doanh nghiệp chính thức đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do người tiêu dùng bình chọn. Đáng chú ý, trong số này có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 27 năm liên tiếp - cũng là 27 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức; 41 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn. Cùng với đó có 132 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn.
Bàn về lý do một số doanh nghiệp rớt khỏi danh sách bình chọn, ông Nguyễn Văn Phượng - đại diện tổ điều tra Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng do một số doanh ngành thực phẩm, dược phẩm, cung ứng đồ điện... phân phối sản phẩm trong mùa dịch Covid-19 đã đổi tên, thương hiệu, người tiêu dùng chưa nhận diện được tên mới của doanh nghiệp nên không bình chọn.
Theo kết quả khảo sát, ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỉ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền, kế đến là ngành nước chấm, gia vị. Ngành đạt tỉ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.
Ông Nguyễn Văn Phượng cho biết, người tiêu dùng có xu hướng không chỉ quan tâm chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả sản phẩm, mà ngày càng chú ý các yếu tố như: an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon; thông tin thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ sản phẩm; công dụng, tính năng sản phẩm; sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng... Đặc biệt là đối với các sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.
“Một bộ phận người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh), các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh”, “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường” - ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ.
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng.. là các yếu tố rất được người tiêu dung quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cũng cho biết, một số người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh): "Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh” “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay” - bà Vũ Kim Hạnh đánh giá.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, bước qua năm thứ 27 - Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn tiếp tục phát huy những giá trị bền vững vốn có là chương trình xúc tiến trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc thúc đẩy và cổ vũ hiệu quả nhất cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Đồng thời, tạo động lực thúc thúc đẩy các doanh nghiệp nâng chất sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững. Là cầu nối sản phẩm của doanh nghiệp với hệ thống các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Dự kiến, Lễ công bố Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2023 do người tiêu dùng bình chọn, có chủ đề: 27 năm Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Hành trình đến nền kinh tế xanh, sẽ diễn ra chiều tối ngày 14/3/2023, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), với sự tham dự của hơn 500 doanh nhân, hơn 100 khách mời Trung ương và các tỉnh thành, các tổ chức xúc tiến thương mại, nhà mua hàng trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ buổi lễ còn diễn ra triển lãm gian hàng “kinh tế xanh”, giao lưu và Hội thảo chuyên đề.