Mặc dù vậy, Hong Kong vẫn tồn tại không ít khó khăn trong việc ngăn chặn đại dịch. Chỉ trong 2 tháng qua, có tới hơn 8.600 ca tử vong được ghi nhận với đối tượng chủ yếu là người cao tuổi, người chưa được tiêm phòng. Bên cạnh đó, những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất thế giới của Hong Kong đang khiến người dân lao đao bởi chi phí cho sức khoẻ tinh thần và sinh kế của họ.
Những con phố trống trải ở trung tâm tài chính, các nhà hàng và quán bar đóng cửa, các kệ hàng siêu thị trơ trọi chính là minh chứng rõ ràng phản ánh ảnh hưởng của các quy định ngừa Covid-19 mà Hong Kong áp đặt.
Chị Jacky Ip, 33 tuổi, người điều hành một quán rượu sake Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi đã mất rất nhiều tiền, nhiều đến mức chúng tôi gần như phải đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình. Hiện tại, việc cửa hàng có tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc vào quyết định của các cổ đông”. Trước đại dịch, quán rượu của chị Ip từng mở cửa đến 4 giờ sáng nhưng sau đó đã bị hạn chế bởi sự thay đổi về giờ mở cửa.
Nhiều cơ sở kinh doanh trên khắp thành phố đã buộc phải đóng cửa, bao gồm phòng tập thể dục, nhà hàng và quán bar. Mặt khác, không ít cơ sở kinh danh chia sẻ việc họ đang cố gắng duy trì dựa vào tiền vay mượn.
Lý giải cho sự sụt giảm của các doanh nghiệp, chị Ip phàn nàn rằng các chủ nhà đã không điều chỉnh giá cho thuê tại một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
"Chi phí lớn nhất là tiền thuê nhà và tiền lương nhân viên. Điều đó thật không công bằng. Họ bảo chúng tôi phải ngừng kinh doanh nhưng họ lại không yêu cầu chủ nhà ngừng thu tiền thuê nhà của chúng tôi," chị Ip chia sẻ.
Chủ tiệm làm đẹp Lin Chan, 33 tuổi, lo lắng vì cậu con trai gần ba tuổi của cô đã phải đeo khẩu trang ngay sau khi chào đời và các vấn đề xã hội hóa của cậu bé.
"Con trai tôi đang học mẫu giáo nhưng phải phụ thuộc vào học trực tuyến thay vì được đến lớp. Các công viên bị đóng cửa nên con trai tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với người thân, bạn bè. Điều này khiến khả năng giao tiếp của con trai tôi phát triển rất kém và sợ người lạ,” cô nói.
Cô cho biết thêm, các quy định của chính phủ đã cắt giảm thu nhập của gia đình cô do phải đóng cửa thẩm mỹ viện nhiều lần. "Chính phủ liên tục yêu cầu tôi đóng cửa. Sau khi mở cửa được vài tháng, tôi lại tiếp tục phải đóng liền trong 4 tháng nữa,” cô Lin Chan chia sẻ.
Đợt bùng phát Covid-19 mới đây khiến các bệnh viện bị quá tải, các nhân viên y tế đã làm việc suốt ngày đêm để chăm sóc cho bệnh nhân.
"Chúng tôi phải chăm sóc 72 bệnh nhân trong một khu cách ly," y tá Lau Hoi-man cho biết. "Các đồng nghiệp của chúng tôi vô cùng bận rộn. Họ không có thời gian để đi tiểu, uống nước hay thậm chí là ăn cơm".
Không gian hạn chế trong phòng cấp cứu đòi hỏi các nhân viên y tế phải liên tục xử lý linh hoạt bởi số lượng người bị nhiễm và người chết tăng rất nhanh.
Các nhà chức trách sẽ bắt đầu nới lỏng một số hạn chế từ tuần tới vì số ca nhiễm hàng ngày dao động ở mức dưới 2.000, nhưng thiệt hại sẽ khó có thể bù đắp.
Đối với những người sống ở nước ngoài, các hạn chế biên giới đã gây thêm tổn thất về tinh thần. Anh Beary Pang, 40 tuổi, cho biết cha anh đã qua đời vào tháng 3 và ba chị gái của anh sống ở nước ngoài không thể về dự tang lễ.
"Những người sống ở nước ngoài chỉ có thể tham dự tang lễ trực tuyến. Chúng tôi cảm thấy bất lực," anh nói.