Nhu cầu lớn Việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng SX cũng như nguồn vốn cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Hà Nội đến thời điểm này đã trở thành một yêu cầu hết sức bức thiết. Hiện, ngành CNHT của TP có gần 2.000 DN, phân thành 8 nhóm ngành chính, chiếm 25% doanh thu toàn ngành CN. Tuy nhiên, khi ngày càng hội nhập, CNHT của Hà Nội lại chưa thể tham gia nhiều, và nếu có cũng mới chỉ làm được các linh, phụ kiện đơn giản cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). "Dù rất muốn, nhưng để trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI vẫn là "sân chơi" khó với DN trong nước. CNHT muốn mạnh phải dựa trên công nghệ tiên tiến, đòi hỏi liên kết chặt chẽ với DN SX lắp ráp chính. Trong khi đó, các DN CNHT tại Hà Nội đang rất thiếu vốn trung, dài hạn để đầu tư máy móc, công nghệ mới, thiếu khu CN chuyên ngành có hạ tầng đồng bộ" - Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng nhấn mạnh. Ngoài ra, nhiều DN phản ánh đang "bơi" trong rừng thông tin, không biết phải chuẩn bị những gì để thỏa mãn điều kiện của ngân hàng. Cam kết hỗ trợ tối đa Tại Hội thảo "Giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển CHNT" do Hiệp hội DN CNHT TP Hà Nội (HANSIBA) tổ chức ngày 28/8, lãnh đạo HANSIBA cho biết: TP đang đẩy mạnh hỗ trợ DN tại một số khu CN. Trong đó, HANSSIP - khu CN chuyên sâu ngành CNHT đầu tiên của Việt Nam với diện tích quy hoạch 640ha (định hướng lên 2.000ha) đang được tích cực đầu tư. Đến thời điểm này, HANSSIP đã lấp đầy 2/3 diện tích giai đoạn I, dự kiến khánh thành cơ bản giai đoạn này đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Các DN đầu tư vào HANSSIP có thể được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó, những ưu đãi từ Chính phủ được UBNDTP báo cáo Thủ tướng dự kiến sẽ có kết quả ngay trong tháng 9 tới: Được ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm, người lao động được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 15 năm... Về phía tổ chức tài chính, đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, VDB đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tín dụng xuất khẩu và CNHT trong khuôn khổ khoản vay hai bước giữa VDB và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Khoản vay trị giá 100 triệu USD, có 2 giai đoạn, riêng giai đoạn 2 (từ 17/9/2014) hướng tới những DN CNHT có yếu tố Nhật Bản hoặc quan hệ kinh doanh với Nhật Bản, có thể được vay tới 15 triệu USD, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư tài sản cố định của dự án. "Việc tiếp nhận, thẩm định, duyệt vay với các dự án CNHT sẽ được triển khai nhanh chóng" - Phó Tổng Giám đốc VDB Đào Dung Anh cam kết. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng đang triển khai gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho các DN CNHT: Lãi suất cho vay chỉ từ 8%/năm đối với VND và 3,2% với USD, giảm tới 40% mọi loại phí và cho vay tới 90% giá trị khoản phải thu.