“Hợp tác biển là trụ cột chính trong quan hệ chiến lược Việt Nam - Philippines”

Lan Hương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Hôm nay (28/9), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới. Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thạc Dĩnh - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines về quan hệ song phương và tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông trong chính sách hợp tác với Philippines.

Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 9/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định Việt Nam không chỉ là “láng giềng tốt” mà còn là “anh em thân thiết”. Xin ông cho biết thêm về mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines?
Năm nay đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Philippines (12/7/1976 - 12/7/ 2016). Trong 40 năm qua, tuy quan hệ hai nước có những bước thăng trầm nhưng luôn thể hiện là mối quan hệ khăng khít, không chỉ là “láng giếng tốt” mà là “anh em thân thiết” như Tổng thống Durterte đã đánh giá.
Ông Nguyễn Thạc Dĩnh - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines.

Năm 2015, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 17/11/2015, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới cho quan hệ hai nước. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược thứ 3 của Philippines, sau Mỹ và Nhật. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ hữu nghị và nhiều mặt giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ hơn trên mọi lĩnh vực. Chỉ cần nhìn vào quan hệ thương mai đã chúng minh điều đó. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục đà tăng trưởng, riêng 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,72 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015). Đáng chú ý, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo số một cho Philippines. Hơn thập kỷ nay, người dân Philippines đã quen ăn gạo Việt Nam với chất lượng ngon và giá rẻ hơn một số nước khác.     

Theo ông, những yếu tố nào giúp hai nước có quan hệ ngoại giao thân thiết như hiện nay?

40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Philippines là một quãng thời gian không dài so với lịch sử hình thành của một quốc gia, nhung cũng đủ chứng tỏ mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng tốt đẹp và thân thiết. Theo tôi, những nhân tố chính giúp cho hai nước có mối quan hệ thân thiết như hiện nay là giữa hai nước có nhiều điẻm tương đồng với nhau.
Về vị trí địa lý, hai nước cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, cùng chung Biển Đông và cùng bị ảnh hưởng của những thiên tai như bão lụt. Có thể nói hầu hết các cơn bão to đều đổ vào Philippines rồi mới đi sang Việt Nam. Hai nước luôn hợp tác với nhau để chống đỡ và làm giảm các hậu quả của các con bão này gây ra. Bên cạnh đó, hai nước cùng nằm chung khu vực Biển Đông. Điều đáng mừng là cả hai nước đều có đồng quan điểm là kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Về lịch sử, cả hai nước đều trải qua cuộc cách mạng chống sự thống trị của thực dân. Tuy mỗi nước tiến hành khác nhau, nhưng đều vì mục đích chung là giành độc lập và xây dựng phát triển đất nước. Cả hai nước đều có những vị anh hùng dân tộc như ở Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Philippines có Dr Jose Rizal.
Về con người, bản chất, tính cách của người dân Philippines cũng rất chân thành, cởi mở, mến khách.

Đây là lần đầu ông Duterte thực hiện chuyến thăm các nước ASEAN kể từ khi nhậm chức Tổng thống. Ông có thể phân tích rõ thêm vị thế, vai trò của các nước ASEAN trong chính sách của Tổng thống Philippines?

Các đời Tổng thống Philippines trước đây và Tổng thống Duterte đều khẳng định, coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các  nước ASEAN. Việc Tổng thống Durante quyết định đi thăm một loạt nước ASEAN sau khi nhậm chức đã chứng minh điều đó. Philippines là một trong những nước sáng lập ASEAN và có nhiều góp phần tích cực cho sự phát triển của ASEAN. Chính quyền của Tổng thống Duterte coi việc thực hiện  Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) là một trong những ưu tiên hàng đầu  trong chính sách đối ngoại của mình vì lợi ích chung của mỗi nước và của toàn khu vực.

Nhiều nhà phân tích nhận định, chính sách về Biển Đông dưới thời của ông Duterte sẽ có những điểm khác biệt so với người tiền nhiệm. Ông có đánh giá gì về nhận định này?

Trước hết cần khẳng định, trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia có cùng chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển ở Biển Đông. Từ lâu, hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ chiến lược giữa hai nước. Hai bên đã có cơ chế Nhóm công tác chung về Biển và Đại Dương, họp thường kỳ hàng năm và được nâng cấp thành Ủy ban Hỗn hợp về Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao, họp phiên đầu vào tháng 2/2012 và phiên thứ hai vào tháng 9/2015. Vì vậy, tôi tin rằng, vấn đề hợp tác biển và đại dương giữa hai nước sẽ vẫn tiếp tục được phát huy trong các chính sách của Philippines.
Theo tôi, Việt Nam và Philippines cần tiếp tục hợp tác với trong việc kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không làm phức tạp thêm tình hình và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần