HueWACO thay thế nguồn nước cung ứng cho người dân tại huyện Phú Lộc

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau loạt bài phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị về sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt diễn ra tại 4 xã, thị trấn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã tiến hành tháo dỡ trạm bơm sông Thừa Lưu, khảo sát các nguồn nước để thay thế nguồn cung ứng và đưa ra một số phương án đền bù thiệt hại cho người dân.

Tháo dỡ trạm bơm sông Thừa Lưu
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Trương Công Hân - Tổng Giám đốc Công ty HueWACO cho biết, sự cố diễn ra tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô xảy ra là ngoài ý muốn, khách quan nhưng cũng là bài học lớn mà công ty phải rút kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng dịch vụ hoàn hảo.
Theo ông Trương Công Hân, ngay khi phát hiện sự cố xảy ra tại nhà máy nước Chân Mây, công ty đã khẩn trương huy động gần 200 nhân viên làm việc liên tục 3 ca để tiến hành khắc phục. Đồng thời, công ty cũng đề xuất các giải pháp cấp nước an toàn, an ninh và bền vững cho vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây – Lăng Cô cũng như toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, khi khách hàng có yêu cầu, công ty cử nhân viên đến gặp trực tiếp, kiểm tra chất lượng nước, hỗ trợ khách hàng súc, xả ống nhánh sau đồng hồ, vệ sinh bồn chứa… và uống nước trực tiếp tại vòi nhằm khẳng định nước sạch an toàn để khách hàng yên tâm sử dụng.

Nhân viên HueWACO uống nước trực tiếp tại vòi nhằm khẳng định nước sạch an toàn để khách hàng yên tâm sử dụng.

Đặc biệt, chỉ trong 4 ngày, công ty đã hoàn thành nhanh chóng nhà máy cơ động công suất 2.400m3/ngày đêm (ngđ) lấy nguồn từ hồ Thủy Yên để bổ sung nguồn cấp kịp thời cho nhà máy Chân Mây.
Hiện nay, công ty HueWACO đã ngừng khai thác nguồn nước sông Thừa Lưu, tiến hành tháo máy bơm và các tuyến ống nước thô. Dự báo tình trạng biến đổi khí hậu, nắng hạn tiếp tục xảy ra vào mùa Hè các năm tiếp theo sẽ làm nguồn nước của Nhà máy Chân Mây suy giảm (năm 2021 hơn 40%), trong năm 2022, lượng nước sản xuất sẽ thiếu khoảng 3.200 m3/ngđ.
Chỉ tính riêng mùa Hè năm 2022, khu vực huyện Phú Lộc sẽ thiếu 7.020 m3/ngđ. Để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho khu vực thời gian đến, cần đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước cơ động Thủy Yên từ 2.400 m3/ngđ lên 5.000 m3/ngđ lấy nước tại hồ Thủy Yên và nhà máy với công suất 2.000 m3/ngđ lấy nước từ Suối Mơ.
Thay thế nguồn nước cung ứng
Theo ông Trương Công Hân, việc khai thác nước sông Thừa Lưu là giải pháp tình thế, do thời tiết nắng hạn đột biến dẫn đến lượng nước khe suối giảm mạnh và nhu cầu sử dụng nước tại thời điểm này tăng cao.
Những năm qua, HueWACO đã tích cực khảo sát nhiều phương án để bổ sung nguồn cấp cho nhà máy Chân Mây trong đó có nguồn nước khe Thầy, hầm Hải Vân, Hói Mít, Hói Dừa… mặc dù đã được chính quyền các cấp đồng ý, nhưng một số hộ dân ở khu vực này chưa đồng thuận nên chưa thể khai thác được.
Vì vậy, công ty đã tạm thời lấy thêm nước Sông Thừa Lưu để bù lại lượng nước thiếu hụt từ Suối Voi và Pauger vào những ngày nắng hạn. Trước khi lấy nước sông Thừa Lưu, công ty đều lấy mẫu nội và ngoại kiểm chất lượng nước sông, nước sạch tại bể chứa nhà máy và mạng cấp.
Ngoài ra, để đảm bảo cấp nước an toàn và bền vững cho khu vực, vào trước mùa Hè năm 2022, HueWACO khẩn trương nâng công suất nhà máy xử lý nước cơ động Thủy Yên từ 2.400 m3/ngđ lên 5.000 m3/ngđ, thi công nhà máy nước 2.000 m3/ngđ từ nguồn nước Suối Mơ và xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Thủy Yên 12.500 m3/ngđ trước năm 2024. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khai thác các nguồn nước (khe Thầy, hói Dừa, hói Mít, nước ngầm,…) để bổ sung nguồn cấp cho khu vực này.
“Việc để khách hàng lo lắng và hoang mang chính là thiếu sót lớn, bài học sâu sắc, công ty rút kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn. Để đền bù thiệt hại cho khách hàng, công ty không tính 100% tiền nước trong tháng 8/2021. Cùng với đó, sẽ bảo đảm quyền lợi cho tất cả hộ dân sử dụng nước tại các khu vực bị ảnh hưởng”, ông Trương Công Hân chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần