Theo hãng tin AP, Slovakia và Hungary nói rằng họ đã quá phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga và hiện không có giải pháp thay thế trong thời điểm hiện tại.
Ngày 3/5, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết công ty lọc dầu duy nhất của nước này, Slovnaft, không thể chuyển đổi từ dầu thô của Nga sang một loại dầu khác ngay lập tức. Theo ông Sulik, việc thay đổi công nghệ tại công ty lọc dầu Slovnaft sẽ mất nhiều năm. “Vì vậy, chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu miễn trừ lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga” – Bộ trưởng Sulik nói với phóng viên.
Trong khi đó, tại Hungary - một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, ngày 3/5, Ngoại trưởng Peter Szijjarto tuyên bố Hungary sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ lệnh trừng phạt nào khiến việc vận chuyển khí đốt tự nhiên hoặc dầu từ Nga đến Hungary bị ảnh hưởng.
Phát biểu ngày 3/5, Ngoại trưởng Szijiarto cho biết Hungary và nền kinh tế của nước này sẽ không thể hoạt động nếu không có dầu của Nga. Ông cũng khẳng định việc nguồn cung năng lượng cho Hungary không thể bị đe dọa và chính phủ nước này không cho phép người Hungary phải trả giá cho các biện pháp trừng phạt chiến tranh.
Cùng ngày, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo khối này chuẩn bị đề xuất các biện pháp trừng phạt mới bao gồm cả việc nhập khẩu dầu. Các đề xuất mới của Ủy ban châu Âu về các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga.
Theo ông Josef Borrell, cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, gói trừng phạt mới cũng sẽ khiến thêm nhiều ngân hàng Nga bị đẩy ra khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Trước đó, EU cùng đồng minh đã cấm 7 ngân hàng Nga dùng hệ thống thanh toán qua tin nhắn SWIFT để nhận hoặc chuyển khoản quốc tế.
Theo kế hoạch, các đại sứ từ 27 quốc gia EU sẽ họp trong ngày 4/5 để xem xét sơ bộ kế hoạch. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng thông qua các biện pháp này sẽ gặp nhiều khó khăn do các thành viên EU còn bất đồng về việc áp lệnh cấm vận với năng lượng Nga.
Gói trừng phạt cần được sự chấp thuận nhất trí của toàn bộ quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực. Ủy ban châu Âu không có kế hoạch công bố dự thảo trước công chúng trước khi chủ tịch ủy ban Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu trong hôm nay.
Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ sáu của EU nhằm vào Nga từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.