Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, người sản xuất và DN Việt Nam cần phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc; từ đó, đề ra chiến lược để tăng tốc, mở rộng thị phần tại thị trường tỷ dân này…
Thị trường lớn, tiềm năng nhưng đừng để phụ thuộc
Những năm qua, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường tiêu thụ chủ lực nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cấp giấy phép nhập khẩu cho 12 sản phẩm trái cây, rau, sữa; 805 cơ sở chế biến thủy sản; 40 cơ sở đóng gói ghẹ, tôm hùm sống và 5 cơ sở đóng gói tôm sú, tôm chân trắng, bên cạnh 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản từ Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 9,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc ước tính đạt 7,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng cho thấy, trong tháng 11/2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, thủy sản Việt Nam, với giá trị xuất khẩu tăng 18%.
Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc gồm cao su (2,29 tỷ USD), rau quả (1,90 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1,50 tỷ USD), sắn và các sản phẩm từ sắn (1,1 tỷ USD), thủy sản (976,4 triệu USD)…
Đặc biệt, với kim ngạch đạt 105,45 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 tỷ USD trở lên trong năm 2023 và tiếp tục duy trì vị thế bạn hàng lớn nhất của nước ta.
Nhìn vào các kết quả khả quan trên, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T nhận định, không chỉ ở hiện tại, trong dư địa 10 - 15 năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chủ lực xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, có thể khiến DN Việt gặp rủi ro lớn.
“Mặc dù đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới nhưng các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản. Ví như, hàng nông sản Việt Nam ở mức dưới 5% tổng kim ngạch nhập khẩu với Hàn Quốc, thậm chỉ chỉ từ 1 - 3% với Nhật Bản.
Ngược lại, phụ thuộc chính vào Trung Quốc, mỗi khi thị trường hơn một tỷ dân này "hắt hơi, sổ mũi", là hàng nông sản của Việt Nam ngay lập tức rơi vào thế bị động” - ông Nguyễn Đình Tùng nói và nhấn mạnh, để giải quyết nút thắt này đòi hỏi DN, cơ quan quản lý phải nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó bổ sung cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc.
Với góc nhìn tương tự, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực
Việt Nam cũng cho rằng, vì quá phụ thuộc vào độ “nóng lạnh” của thị trường Trung Quốc nên hàng nông sản Việt Nam dễ bị tổn thương. Chỉ một quyết định nhỏ, hành động nhỏ của phía Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến nông dân Việt Nam.
Vì vậy, muốn không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, câu trả lời là phải đa dạng hóa thị trường, nhất là phát triển các thị trường tiềm năng. Đồng thời, trong nội bộ nền kinh tế cũng phải thay đổi cơ cấu mặt hàng, cơ cấu sản xuất hướng phát triển bền vững, có như vậy mới dần giảm sự phụ thuộc.
Đốn một cây to chúng ta mất 6 giờ thì cần phải dành 4 giờ để mài rìu. Thị trường Trung Quốc càng lớn thì rủi ro càng nhiều, vì có sự cạnh tranh của DN đến từ các nước, nên thời gian chuẩn bị tìm hiểu thị trường là rất quan trọng. Hãy trân quý từng sản phẩm, đừng để xuất khẩu đi rồi bị trả về. Muốn vậy, chúng ta cần đưa ra thông điệp lớn hơn, khát vọng hơn, nâng cao hình ảnh sản phẩm với khẩu hiệu “Cùng nhau nâng niu nông sản Việt, lan tỏa giá trị Việt", lúc đó chúng ta không bán hàng mà bán giá trị nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
“Khi DN quyết định mở rộng thị trường phải bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái DN có. Lâu nay, chúng ta vào thị trường Trung Quốc là bán cái mình có nên thường xuyên bị ép giá. Trong tương lai, cùng với việc không "gom trứng vào cùng một giỏ", nông sản Việt còn buộc phải có sự chuyển mình để giảm bớt sự phụ thuộc, và tích cực hơn nữa là tìm kiếm các thị trường khác, khơi thông mọi nguồn lực” - ông Đỗ Hà Nam nói.
Nâng cao chất lượng để tính chuyện đường dài
Theo nhiều chuyên gia, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không đồng nghĩa “bỏ quên” thị trường này. Vì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhiều lợi thế nhất như gần gũi về phong tục tập quán, văn hóa tiêu dùng, chi phí logistics thấp...
Tuy nhiên, nếu như trước đây, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, thì nay Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây được xem là cơ hội lớn cho người sản xuất và DN Việt Nam, song cũng là thách thức bởi các tiêu chuẩn về hàng hóa đã nâng cao đáng kể.
Là một trong 80 DN xuất khẩu của Việt Nam, Giám đốc Duy Anh Foods Lê Duy Toàn khẳng định, Trung Quốc không còn là “thị trường dễ tính” khi hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia này đòi hỏi phải tuân thủ các quy định, hàng rào kỹ thuật khắt khe không kém gì châu Âu (EU), Mỹ.
“Khi Trung Quốc dần trở thành thị trường khó tính với hàng hóa Việt Nam, trước mắt sẽ là thách thức nhưng về lâu dài là cơ hội của DN Việt, vì Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, rất nhiều hàng hóa của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn sang thị trường này. Nếu chúng ta khắc phục được các điểm yếu trước đây, có chiến lược bài bản, hàng hóa chất lượng cao, ổn định thì Trung Quốc luôn là “miền đất hứa” - ông Lê Duy Toàn nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Bình - chuyên gia nghiên cứu thị trường cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường mà cả thế giới thèm muốn chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc thành công ngoài tìm hiểu thị trường, DN còn phải tìm hiểu đối thủ Thái Lan, Campuchia… xuất khẩu vào thị trường đó như thế nào, chiến lược ra sao, để có hướng đi riêng. Ngoài ra, khi giao thương với phía Trung Quốc, cần tăng cường buôn bán chính ngạch, có ký cam kết thu mua với các đối tác Trung Quốc phòng khi họ “lật kèo”.
Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng
“Do chung đường biên giới, chỉ cách nhau con sông, nên trước đây nông sản Việt xuất khẩu hàng sang Trung Quốc rất dễ dàng, hàng lên thuyền đẩy sang bên kia là thu tiền về.
Vì vậy, đã có giai đoạn chúng ta lệch lạc đi theo chiều hướng đó, tạo thói quen sản xuất hàng hóa cho một thị trường dễ tính. Nhưng nay thị trường Trung Quốc đã khác, để có chỗ đứng tại đây, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể để làm thương hiệu cho nông sản Việt. Xây dựng thương hiệu bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển” - ông Nguyễn Quang Bình tư vấn.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang áp dụng quy định hàng hóa chất lượng cao với tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Hàng rào kỹ thuật nước bạn tạo nên là để bảo vệ sức khỏe người dân của họ và đây chính là cơ hội để chúng ta thay đổi, tìm kiếm thị trường ở sản phẩm cấp cao hơn.
Chuyện thương lái Trung Quốc mua hàng với giá cao, sau đó lại đột ngột ngừng mua, trả giá bọt bèo khiến cho nông sản Việt rơi vào tình trạng khốn đốn, điêu đứng đã không còn là chuyện lạ. Vì vậy, giải quyết tình trạng này, xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Bên cạnh đó, để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch, thì công nghệ số cần được tận dụng tối đa, điều này không chỉ thuận lợi, mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí.
Giám đốc Duy Anh Foods Lê Duy Toàn
Có thể ban đầu có khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn khi xuất khẩu chuyển sang chính ngạch. Do đó, cần phải xác định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là câu chuyện đường dài, đòi hỏi sự thay đổi nghiêm túc và kiên trì không chỉ từ nông dân, DN, mà còn cả sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng…