Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đi mới cho các hộ kinh doanh cá thể tại Hoàng Mai

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Khi cao điểm, các hộ gia công mặt hàng Inox tại phường Hoàng Liệt có thể cung cấp ra thị trường trên 150 tấn sản phẩm/tháng nhưng nay, con số chỉ còn khoảng 30-40%” - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Tất Thắng cho biết.

Trước năm 2000, ống hộp Inox chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu... với mức giá khá cao. Hơn 20 năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận công nghệ sản xuất, chế tạo các sản phẩm Inox.

Ngoài ống hộp, Inox còn được sử dụng trong các đồ dùng, vật dụng nhà cửa như kệ chén, kệ treo đồ, bàn, xe đẩy thức ăn, nồi, chén, đũa, tủ bếp, bồn rửa chén…. Gần đây, inox còn được ứng dụng nhiều trong y tế, dụng cụ nha khoa, các thiết bị như kềm, kéo và rất nhiều đồ dùng khác nữa...

Anh Đàm Thế Hưng  (phường Hoàng Liệt) đang gặp rất nhiều khó khăn trong gia công đồ Inox. Ảnh AT
Anh Đàm Thế Hưng  (phường Hoàng Liệt) đang gặp rất nhiều khó khăn trong gia công đồ Inox. Ảnh AT

Kinh doanh cá thể, lợi và hại

Với đặc điểm bền đẹp rẻ những đồ dùng, sản phẩm làm bằng inox đang ngày càng trở nên thịnh hành trên thị trường Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 10 hãng sản xuất ống, hộp lớn như Sơn Hà, Tiến Đạt, Hoàng Vũ, Hòa Bình… và có thể cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn tấn mỗi năm.

Tại Hà Nội hiện có hơn 100 hộ kinh doanh cá thể mặt hàng giá kệ inox, tủ inox, bếp inox, chậu rửa inox, bàn ghế inox, xe đẩy inox, bồn inox… Dân trong nghề đánh giá, xếp hạng “Nhất Dũng (Khâm Thiên), nhì Tuấn (Mai Động) và tam Hưng (Hoàng Liệt)”, khi làm ăn thịnh vượng xưởng gia công của anh Đàm Thế Hưng (sinh 1971) có trên 30 công nhân, mỗi tháng xuất xưởng trên 20 tấn hàng, số lượng lớn nhất ngành nghề này.

Anh Hưng cũng như các hộ gia công, sản xuất ngành nghề này và nhiều hộ kinh doanh các lĩnh vực khác tại Hoàng Mai thường chọn đăng ký hộ kinh doanh cá thể (kinh doanh hộ gia đình) bởi mô hình này yêu cầu vốn ít, thủ tục đăng ký đơn giản và mức thuế phải nộp thấp. Theo quy định, đối với hộ kinh doanh thì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu là: Lệ phí Môn bài, thuế GTGT, và Thuế thu nhập cá nhân.

Hộ kinh doanh được đơn giản hơn chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp. Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán…

Sau dịch Covid-19, những hộ gia công, chế tạo các sản phẩm Inox đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Anh Đàm Thế Hưng chia sẻ: “Chúng tôi lâm vào tình trạng thiếu vốn, thiếu ứng dụng công nghệ, marketing vào hoạt động bán hàng dẫn đến khách hàng ít dần, kinh doanh gặp rất nhiều bất cập”.

Là người có 24 năm chế tạo, sản xuất các sản phẩm Inox “cha đẻ” của nhiều mẫu mã mới trên thị trường nhưng do không biết làm thủ tục bản quyền trí tuệ nên anh Hưng luôn bị đối thủ ăn cắp mẫu. Anh Hưng chính là người sáng chế thành công bẫy mỡ Inox là thiết bị giúp chống tắc cống hữu hiệu được nhiều nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp sử dụng phổ biến hiện nay.

Nhưng đến nay, chính sản phẩm này của anh cũng khó có thể cạnh tranh với đối thủ “sinh sau, đẻ muộn”. Nguyên nhân chính là do anh đang phải trả giá nhân công 300.000 đồng/ngày và bao ăn cho người lao động thì rất nhiều đối thủ lại khai thác nguồn lao động “giá rẻ” chỉ 70.000 đồng/người, phá giá thị trường.

Hướng đi mới

Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Tất Thắng cho viết: “Từ trước đến nay, thôn Bằng B vẫn nổi tiếng về nghề sản xuất Inox, sản phẩm khá tinh xảo, được bán khắp miền Bắc, đến tận Quảng Bình. Sau dịch, do khó khăn về đầu ra hiện chỉ còn 8-9 hộ còn kinh doanh nghề này, sản lượng chỉ còn 30-40% so với trước đây”.

Để duy trì sản xuất, anh Hưng đã phải lên mạng liên tục cập nhật các catalog, nghiên cứu và “Việt hóa” các sản phẩm cho đúng với thị hiếu của thị trường và mở thêm kênh bán hàng online. Mặt khác, anh Hưng và nhiều hộ kinh doanh mặt hàng này đang hướng tới việc chuyển đổi mô hình sản xuất, gia công. Nếu điều này xẩy ra, người tiêu dùng sẽ phải sử dụng các sản phẩm nhập ngoại, đắt hơn rất nhiều.

Về bản chất hộ kinh doanh như anh Hưng và mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh bị loại ra khỏi chính sách ưu đãi của nhà nước khiến hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp.

Làm thế nào để các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ phục hồi sản xuất? Ảnh AT
Làm thế nào để các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ phục hồi sản xuất? Ảnh AT

Cụ thể, là việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện,  không mở chi nhánh, văn phòng đại diện…Chưa kể, một số ngành nghề phải là doanh nghiệp, và hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên

Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Trên địa bàn Hà Nội đang có hơn 8.000 hộ, cá nhân kinh doanh rất nhiều hộ, cá nhân kinh doanh gặp khá nhiều khó khăn do tình hình “hậu dịch bệnh COVID-19” diễn biến phức tạp, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục bị gián đoạn.

Nhưng người trong cuộc như anh Hưng và nhiều hộ kinh doanh khác tại Hoàng Mai sẽ phải cân nhắc để quyết định sự tồn tại của mình, trong đó có việc lựa chọn mô hình kinh doanh mới. Trước mắt, họ cần được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để vượt qua khó khăn sau dịch bệnh.

 

 

 

 

 

 

 

 

.