Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt trong cơn sốt AI?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trí tuệ nhân tạo là nhu cầu tất yếu trong các doanh nghiệp hiện nay, nhưng việc ứng dụng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp không nên cố gắng chạy theo phong trào trí tuệ nhân tạo mà cần dựa vào bài toán cụ thể, từ đó mới tìm giải pháp.

AI, con dao hai lưỡi

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư. AI đang góp phần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của chính phủ” do Tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2022 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trong 181 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2021.

AI  là nhu cầu tất yếu trong các doanh nghiệp hiện nay
AI  là nhu cầu tất yếu trong các doanh nghiệp hiện nay

Với nhiều năm kinh nghiệm phát triển các sản phẩm AI, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh AI - FPT Smart Cloud Dương Lê Minh Đức chia sẻ, nhờ sử dụng AI, doanh nghiệp có thể đánh giá, đưa ra những cảnh báo trong trường hợp cuộc gọi có vấn đề, đề xuất lên hệ thống cuộc gọi đạt chuẩn. Người bán, doanh nghiệp bảo hiểm có thể kiểm soát hoàn toàn các cuộc gọi. Công nghệ này cũng có công cụ để giúp người bán tăng hiệu quả công việc tư vấn, bán hàng. FPT Smart Cloud đã xây dựng được bộ kiến thức ngành để tạo ra sản phẩm cung cấp khả năng tư vấn cá nhân hóa. Hệ thống này đào tạo nhân viên bằng cách đặt câu hỏi cho tư vấn viên hằng ngày để kiểm tra, đồng thời cũng trở thành một công cụ hỗ trợ cho nhân viên bảo hiểm trong việc đưa ra các đề xuất, hỗ trợ nhân viên bán hàng có thể đạt hiệu quả cao nhất nhờ AI.

Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh AI - FPT Smart Cloud Nguyễn Xuân Phong chia sẻ, AI giúp doanh nghiệp lập trình cắt giảm khoảng 20% chi phí trong vận hành, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng, doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, như: cuộc đua AI ngành lập trình vẫn còn ở giai đoạn “chớm nở”, ngôn ngữ lớn trong mảng lập trình vốn đang nằm trong tay của một số nhỏ công ty như Open AI, Google. “Để làn sóng này bùng nổ cần thêm nhiều công nghệ mới như công nghệ hỗ trợ AI đọc được nhiều code hơn, đồng thời cần sự cởi mở của công ty cho phép lập trình viên tiếp cận các công cụ này”- ông Nguyễn Xuân Phong cho hay.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) Trần Anh Tú, AI đang trở thành một phần tất yếu trong các doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, tối ưu lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, AI giống "con dao hai lưỡi" vừa có tính tích cực, vừa tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, cần đảm bảo AI không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng, mà còn phải tạo ra giá trị xã hội. Do đó, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và chính phủ để đảm bảo rằng AI phát triển một cách bền vững và hài hòa.

Không chạy theo phong trào

Trước sự bùng nổ của công nghệ AI, yêu cầu đặt ra là cần kiểm soát để phát triển các sản phẩm công nghệ cao một cách có trách nhiệm. Bởi, việc không thể điều chỉnh, làm chủ được công nghệ sẽ kéo theo hệ quả khôn lường, gây tổn thất cho nền kinh tế và làm ảnh hưởng đến mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

 

Nghiên cứu và ứng dụng về AI là xu hướng diễn ra rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển AI. Tuy vậy, các vấn đề liên quan đến tác động của việc nghiên cứu và ứng dụng AI đối với xã hội, với con người hiện còn ít được quan tâm. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng AI vào đời sống là rất cấp thiết - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Tại Việt Nam, việc triển khai trí tuệ nhân tạo còn đối mặt với nhiều thách thức, như hạn chế về nguồn vốn và pháp lý, bảo mật thông tin, thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu sự đầu tư một cách hệ thống về cơ sở hạ tầng công nghệ, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ.

Giám đốc Kinh doanh VNPT AI Vũ Trọng Đạo đánh giá, dù có nhiều tiềm năng, AI vẫn chưa được ứng dụng triệt để tại Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp ứng dụng AI so với con số 33% của châu Á và 36-37% của toàn cầu.

Ông Vũ Trọng Đạo cho rằng, cái khó khi triển khai các giải pháp công nghệ là cần thay đổi văn hóa nhận thức của người dùng, tổ chức. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp người dùng đang lo ngại về việc thay đổi quy trình, thay đổi tư duy khi ứng dụng AI. Vì thế, các đơn vị nghiên cứu cần tìm đúng điểm chạm giữa doanh nghiệp, người triển khai và người sử dụng để các ứng dụng đáp ứng đúng vào mục tiêu.

Trong khi đó, Giám đốc Digital & Technology Nguyễn Gia Vũ cho rằng, doanh nghiệp không nên cố gắng chạy theo phong trào AI mà cần dựa vào bài toán cụ thể, từ đó hãy tìm giải pháp mà AI hỗ trợ. “Các doanh nghiệp cũng đừng nên đi một mình, hãy tìm đối tác đã dụng trước các giải pháp này. Bên cạnh đó, việc sử dụng những giải pháp đơn giản, tạo được giá trị trước mắt, dễ thành công nên được áp dụng trước để tạo động lực thúc đẩy đơn vị kinh doanh” - ông Vũ đưa ra lời khuyên.