Từ giữa tháng 8, khi chạy xe rong ruổi khắp Thủ đô, chỉ cần nhìn thấy những gánh hoa, những hàng cốm xanh… là biết trời đã chuyển mình sang Thu...
Nhớ hương sắc mùa Thu
Trong đó, cốm là thứ quà của lúa nếp non, từ lâu đã đươc xem là món quà của trời đất dành riêng cho mùa Thu Hà Nội. Những gói cốm xanh dẻo, thơm phức được gói trong một lớp lá ráy tươi cho món ăn không bị khô, ngoài cùng là lớp lá sen vẫn còn thoảng hương thơm, buộc bằng sợi rơm lúa nếp vàng tươi, giữ nguyên được hương vị tuyệt diệu của lúa non.
Trên các tuyến phố, chợ Hà Nội đâu đâu thấy các bà, các chị quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt bó lúa non đã tuốt hạt trên đôi quang gánh, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây” nghe thật ngọt ngào.
Thức quà mùa Thu đặc trưng khác là quả hồng. Tuy không phải là cây trái trồng từ đất Hà thành, nhưng dường như hồng được đem đến tặng cho Hà Nội, để rồi trở thành một thức quà của mùa Thu Hà Nội.
Cốm và hồng kết hợp để tạo nên một thứ quà trang trọng, tinh tế dùng trong những dịp vui mừng, hiếu hỉ. Hồng và cốm là thứ quà mùa Thu mang biếu ông bà, cha mẹ thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng của con cái. Và một thứ quả nữa được nhắc đến mỗi khi Thu về, đó là sấu chín. Bởi người ta chỉ có thể thưởng thức sấu chín vào những ngày Thu.
Nguyễn Trà My - sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đang sinh sống, làm việc tại Mỹ chia sẻ: “Tôi được người nhà gửi cốm, hồng, cả sấu chín nhưng vẫn nhớ mùa Thu Hà Nội vì thiếu mùi. Mùi xôi gói trong lá bàng, mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, mùi sấu chín... Mỗi dịp Thu tới, nhìn hình ảnh bạn bè đăng trên Facebook, tôi chỉ muốn trở về Thủ đô để hít hà cái không khí sương sương bảng lảng, để thỏa thuê tắm mình trong cái nắng hanh vàng, để thỏa mãn “cơn nghiện” mùa Thu”.
Mùa Thu Hà Nội dịu dàng mà lay động, nhẹ nhàng mà sâu sắc, khiến cho những người con Hà Nội xa quê luôn khắc khoải nhung nhớ. Người ta vẫn nhắn nhau câu chuyện về những con phố dài có gió heo may, dịu dàng hương hoa sữa như thể đó là một mảnh hồn của Hà Nội. Mùa này, bạn có thể dạo quanh các con phố quen thuộc như Nguyễn Du, Lê Duẩn, Quán Thánh sẽ cảm nhận được một cách rõ nét mùi hương đặc trưng của loài hoa này.
Bày đặc sản mùa Thu đón khách
Mùa Thu không chỉ là “mùa đẹp nhất năm” trong lòng người dân Thủ đô mà khách quốc tế vẫn mách nhau là thời điểm tuyệt vời để du lịch Hà Nội khi tiết trời mát mẻ, không khí trong lành. Hãng tin Mỹ CNN từng gợi ý Hà Nội là một trong 12 điểm đến lý tưởng nhất thế giới vào mùa Thu. Vừa qua, xe hoa đặc trưng của mùa Thu Hà Nội đã tạo nên một cơn sốt, khi những chiếc xe chở hoa đủ sắc màu được nhân bản ra khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Điều này phần nào cho thấy sức hút từ vẻ đẹp rất riêng của Thu Hà Nội trong lòng du khách.
Tiếp nối làn sóng ảnh hưởng này, Hà Nội lần đầu tiên có một lễ hội mùa Thu. Festival Thu Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối từ 29/9 - 1/10 mời du khách trải nghiệm những không gian mang tên “Hương sắc mùa Thu”, “Hương vị mùa Thu”, “Quà tặng mùa Thu”, “Vườn ánh sáng”... hay điểm du lịch lãng mạn như cầu Long Biên, phố cổ, chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm, nhà phố Phái…
Tại lễ hội này, nhiều sản phẩm du lịch Hà Nội mang đậm màu sắc mùa Thu sẽ được giới thiệu tới du khách. Điểm nhấn là không gian ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt” quy tụ 51 gian hàng (tại Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội), sẽ giới thiệu nhiều đặc sản ẩm thực của Thủ đô.
Du khách sẽ được trải nghiệm không gian cốm - hương vị mùa Thu kể về câu chuyện hình thành và phát triển nghề sản xuất cốm của người Hà Nội. Không gian phở Hà Nội sẽ giới thiệu văn hóa phở, từ phở mậu dịch cho đến những quán phở nổi tiếng như phở Thìn và nhiều thương hiệu phở ở các địa phương như phở Nam Định, phở ngô Hà Giang, phở Đắk Lắk. Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu, thưởng thức những món ăn đặc sản Hà Nội rất hợp cho mùa Thu như: chả cá, chả cốm đèn lồng, bún ốc hồ Tây, xôi Phú Thượng…
Giống như các bạn, tôi cũng nghĩ mùa Thu là mùa đẹp nhất của
Hà Nội. Tất cả những lần tôi thăm lại Việt Nam, tôi đều chọn đến Hà Nội vào mùa Thu vì thời tiết dễ chịu, bầu trời trong xanh, ngược lại với Pháp có thể xuống dưới 0 độ vào mùa Thu.
Du khách Pháp Romain Sittler
Bên cạnh đó, lễ hội cũng có nhiều hoạt động bên lề như diễu hành, trình diễn của các quận, huyện như: múa lân sư rồng của huyện Thanh Oai; rước đèn Trung thu của huyện Sơn Tây; trình diễn diều Đông Anh; múa rối cạn Tế Tiêu - Mỹ Đức. Du khách sẽ được trải nghiệm không khí đám cưới xưa và nay tại sân khấu và phố Đinh Tiên Hoàng, nhảy dân vũ, khiêu vũ thể thao, trình diễn áo dài…
Lễ hội mùa Thu Hà Nội 2023 diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và cả nước đang nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, góp phần hiện thực hóa thu hút hơn 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay. Lễ hội cũng được kỳ vọng sẽ góp phần lan tỏa và xây dựng thương hiệu điểm đến “Hà Nội: An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” tới du khách trong nước và quốc tế.