Hút du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù có nhiều tiềm năng nhưng tour đến đơn điệu, không tạo ra điểm nhấn, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm là nguyên nhân du lịch các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa thực sự thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.

Sản phẩm trùng lặp, thiếu hấp dẫn

Du lịch được xác định là thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, sở hữu kho tàng văn hóa giàu bản sắc, từ đó phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, biển đảo chất lượng cao. Thế nhưng lượng du khách chọn nơi này làm điểm đến không như mong đợi.

Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, trong năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, nhưng lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 1,9  triệu lượt. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, ĐBSCL chỉ đón được gần 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 1,3 triệu lượt khách quốc tế.

Du khách tham quan điểm du lịch Cồn Chim (Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham quan điểm du lịch Cồn Chim (Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Phân tích nguyên nhân khiến du lịch ĐBSCL chưa hút khách, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nêu rõ, hiện các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, thiếu đầu tư dài hạn và thiếu tính liên kết chuỗi giá trị đang là những điểm yếu, thách thức lớn của du lịch ĐBSCL.

“Tại một số địa phương cơ sở vật chất ở mức sơ khai. Do vậy, mức độ “lôi kéo” du khách kéo dài thời gian lưu trú thấp. Điều này dẫn đến tổng thu từ du khách không cao, thị trường thiếu ổn định”-ông Thản phân tích.

Thông tin những yếu kém trong việc thu hút khách của du lịch ĐBSCL, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong thừa nhận, mặc dù các tỉnh miền ĐBSCL có khí hậu ôn hòa, rất cuốn hút khách du lịch nước ngoài, nhất là những du khách đến từ xứ lạnh nhưng chưa có sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương để lại ấn tượng cho du khách có thể quay lại vào những kỳ nghỉ tiếp theo.

Không chỉ có vậy, đa phần các đơn vị, hộ gia đình tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp. Đồng thời còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác tiềm năng, chưa chú trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành Giám đốc Chi nhánh Vietravel Cần Thơ Lê Đình Minh Thy cho biết,  vì phát triển khá muộn nên ĐBSCL vẫn là một trong những “vùng trũng của du lịch” và chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề lớn nhất của du lịch ĐBSCL là sản phẩm gần như không hấp dẫn và trùng lặp, nguồn nhân lực hạn chế. “Nhiều du khách quốc tế sau khi đến ĐBSCL du lịch đã phản hồi sẽ không quay lại lần thứ hai vì chưa có tour thực sự hấp dẫn"-bà Thi thông tin.

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hút khách

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những khó khăn này qua đó du lịch ĐBSCL hút khách, các địa phương cần xác định rõ thế mạnh cũng như “tệp” khách cần khai thác, từ đó xây dựng tour phù hợp.

Hiến kế giúp du lịch ĐBSCL thu hút khách, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nêu rõ, các tỉnh cần xây dựng tour, điểm du lịch chuyên biệt, sản phẩm đặc trưng của riêng từng địa phương. “Chẳng hạn tỉnh Bến Tre nên đẩy mạnh khai thác các loại hình dịch vụ, di tích lịch sử văn hóa,  các giá trị ẩm thực chế biến từ dừa trong phục vụ du khác qua đó định vị thương hiệu của địa phương”- ông Thản nêu ví dụ.

Chợ  nổi Cái Rằng (Cần Thơ) thu hút khách quốc tế tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hoài Nam
Chợ  nổi Cái Rằng (Cần Thơ) thu hút khách quốc tế tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội Nhữ Thị Ngần cho rằng, chính quyền địa phương nên phối kết hợp với doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tổ chức khảo sát tiềm năng thế mạnh,  qua đó lập quy hoạch xây dựng tour đặc trưng của địa phương.

Trà Vinh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc được Nhà nước xếp hạng, ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú với nền ẩm thực lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, tạo nên những nét riêng biệt với nhiều món ngon nổi tiếng. “Đây là tiềm năng lớn để Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa Khmer, tâm linh, từ đó tạo nên sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL”-bà Ngần hiến kế.

Đại diện CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho biết, nhằm hỗ trợ du lịch BĐSCL hút khách, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đã tổ chức các chuyến famtrip khảo sát tiềm năng thế mạnh địa phương. Thông qua hoạt động này nhiều công ty du lịch Thủ đô tổ chức tour du lịch khám phá khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên để hút khách đặc biệt là du khách quốc tế đến với ĐBSCL ngành hàng không nên tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương. Đồng thời giảm thuế, phí dịch vụ sân bay cho những chuyến bay quốc tế thuê bao đến Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu vào mùa thấp điểm.

”Việc khách quốc tế đến ĐBSCL tăng trưởng sẽ kéo theo nguồn thu từ du lịch tăng cao, tăng nộp ngân sách nhà nước, bù đắp phần chi phí mà ngành hàng không đã cắt giảm phí dịch vụ sân bay”-ông Cường phân tích.

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Để hỗ trợ ngành du lịch ĐBSCL xây dựng tour tuyến đặc trưng, Giám đốc Sở VHTT&DL Trà Vinh Dương Hoàng Sum đề nghị, thời gian tới Cục Du lịch Quốc gia tổ chức những lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các hộ dân các tỉnh ĐBSCL tham gia phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái...

Đồng thời mong muốn TP Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh kết nối xây dựng tour, tuyến và trao đổi khách. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội truyền đạt kinh nghiệm xây dựng, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn nghiệp vụ.

Nhằm hỗ trợ các tỉnh miền ĐBSCL nâng cao chất lượng du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang  khẳng định, thời gian tới đơn vị sẽ song hành với các địa phương ĐBSCL trong việc đào tạo, tập huấn về xây dựng sản phẩm, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Hà Nội còn đòi hỏi chính các địa phương ĐBSCL cần vào cuộc trong việc hợp tác với Hà Nội đưa ứng dựng công nghệ số trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch thông minh, qua đó cung cấp cho du khách dịch vụ, tiện ích, trải nghiệm thông qua các nền tảng công nghệ số. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội.