Bệnh nhân hưởng lợi từ máy theo dõi sức khỏe không xâm lấn
Hà Nội hiện có gần 140.000 ca F0 điều trị tại nhà. Máy đo SpO2 là thiết bị không thể thiếu với những trường hợp này.
SpO2 được coi là một trong các chỉ số quan trọng để xác định dấu hiệu sinh tồn của cơ thể con người. Đặc biệt trong thời gian gần đây khi cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19, người ta đề cập tới chỉ số này rất nhiều. Thực tế, ít người biết đến máy đo SpO2 là gì, chỉ đến khi dịch Covid-19 xảy ra, máy đo SpO2 lại là công cụ không thể thiếu trong mỗi gia đình, cơ sở y tế.
Thiết bị này giúp mỗi người nhìn nhận một cách cơ bản nhất là mình đang ở tình trạng bệnh như thế nào? Có cần phải đi bệnh viện hay chỉ cần tham vấn, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa… Như vậy, sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, máy đo SpO2 là một trong những vật dụng quan trọng, giúp F0 nhận biết được tình trạng chuyển biến bệnh. Tự theo dõi chỉ số SpO2 tại nhà là một biện pháp an toàn, cần thiết và hiệu quả khi bệnh nhân Covid-19 điều trị khi không có sự hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên y tế. Việc ghi lại các dấu hiệu sinh tồn quan trọng của bệnh nhân phải được thực hiện nhiều lần mỗi ngày. Với các nhân viên y tế phải làm việc quá sức vì thiếu nhân lực thì nay đã được thực hiện bằng tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giúp tiết kiệm thời gian, giúp bác sĩ chủ động hơn trong việc điều trị, theo dõi bệnh nhân.
Với tình hình dịch hiện nay, máy đo SpO2 sẽ được áp dụng vào giải quyết nhiều vấn đề, giúp các bác sĩ chủ động hơn trong việc điều trị, theo dõi bệnh nhân...
Thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại nhiều bệnh viện, nhân viên y tế mỏng, khi theo dõi các bệnh nhân Covid-19 phải trông chờ vào các máy đo Spo2 đặt cố định, không có truyền tải thông tin nên nhân viên y tế thường xuyên phải đi lại xem tình hình bệnh nhân ra sao. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân Covid-19 sang nhân viên y tế rất cao, đồng thời mất nhiều thời gian vào việc theo dõi bệnh nhân. Cùng với đó, giai đoạn này có nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu hạ oxy thì ngay lập tức bệnh nhân phải thử lại để được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi, và không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh hoặc loại trừ Covid-19. Người dân vẫn cần theo dõi sát các triệu chứng khác của cơ thể, khi có bất thường cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, bình thường SpO2 trên 96%, nếu chỉ hít thở khí thở. Nếu SpO2 dưới 96% là một trong những dấu hiệu suy hô hấp, cần liên hệ y tế ngay.
Hiện nay, máy đo SpO2 được nhiều hãng khác nhau sản xuất với mức giá đa dạng. Những loại máy cầm tay tiện sử dụng tại nhà có giá dao động trong khoảng 800.000 - 5 triệu đồng. Còn tại các cơ sở y tế dùng máy chuyên dụng có thể được tích hợp trong máy Monitor theo dõi cả điện tim và SpO2, huyết áp cùng lúc.
Giúp bệnh viện giảm tải
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thế Anh - Chuyên gia nghiên cứu phát triển thị trường, Công ty TNHH Thiết bị khoa học và dịch vụ Việt Nhật cho hay, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, DN đã hỗ trợ miễn phí 200 - 300 máy theo dõi sức khỏe không xâm lấn Covi-Life cho một số bệnh viện (BV) như: BV Đại học Y Hà Nội, BV E, BV Đại học quốc gia... nhằm làm giảm tải sự lây nhiễm giữa người bệnh và bác sĩ, tiết kiệm thời gian của nhân viên y tế chăm sóc người bệnh.
Theo ông Trần Thế Anh, dựa vào nền tảng sẵn có của máy theo dõi chỉ số sinh tồn (nhưng chỉ là một máy đo đơn lẻ, đặt cạnh bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân), ông và các cộng sự đã có thêm những sáng kiến, sáng tạo ra máy theo dõi sức khỏe không xâm lấn 5 trong 1 Covi-Life, có kết nối được CNTT.
Máy theo dõi sức khỏe có thể theo dõi các chỉ số sinh tồn bao gồm nhịp tim (HR), nhịp hô hấp (RESP), nhiệt độ cơ thể (TEMP), độ bão hòa trong máu (SPO2), mạch đập (PR) và huyết áp không xâm lấn (NIBP). Thiết bị này có tính linh hoạt hơn, có khả năng ứng dụng CNTT, kết nối internet, được truyền tải dữ liệu về trung tâm điều hành, cảnh báo âm thanh, hình ảnh về phòng cấp cứu (ICU), lưu kết quả, đẩy số liệu lên app…, giúp bác sĩ chủ động hơn việc xử lý tình huống, ngăn ngừa, giảm nguy cơ trầm trọng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có vấn đề gì thì máy sẽ cảnh báo, lập tức nhân viên y tế vào xử lý, không cần thiết bác sĩ phải đi kiểm tra lại nhiều lần.
“Sản phẩm đầu tiên ra đời sau hơn 2 năm nghiên cứu từ năm 2018, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 xảy ra. Nó rất hữu ích với người dân, gia đình, các BV, nhất là phù hợp với mô hình bác sĩ gia đình. Tuy dịch đang giảm dần nhưng máy đo SpO2 không chỉ dành cho bệnh nhân Covid-19 mà đây còn là sản phẩm mang tên “Made in Việt Nam” rất chủ động. Định hướng của chúng tôi khi ứng dụng CNTT trong ngành y tế là phải giúp cho người quản trị hay nhân viên y tế giảm tải được công việc.
Chúng tôi mong muốn dần trở thành sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn để có thể thay thế các sản phẩm ngoại. Sản phẩm này có tiện ích đủ để các bác sĩ ứng dụng triển khai một cách rộng rãi, triển khai dần mô hình bác sĩ gia đình hoặc mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe 24h/24h của các BV” - ông Trần Thế Anh chia sẻ.