Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Ba Vì: Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, huyện Ba Vì có tiềm năng lớn phát triển nông nghiệp. Đến nay, nhiều nông sản chất lượng đã được người dân địa phương tạo ra, cung ứng cho thị trường Thủ đô và cả nước.

5 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý
Nhắc đến nông sản của huyện Ba Vì, nhiều người sẽ nhớ ngay đến các sản phẩm sữa. Đây cũng là mặt hàng đang có sự tham gia sản xuất khá sôi động của nhiều chủ thể như: Công ty CP Sữa con bò vàng Ba Vì, Công ty Sữa nông trại Ba Vì, Công ty CP Sữa Ba Vì, hay Hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, sữa tươi và các sản phẩm từ sữa của các cơ sở trên đều đã được đánh giá, chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì khá đa dạng, chất lượng được bảo đảm an toàn. Ảnh: Hồng Thanh.
Cùng với sữa, huyện Ba Vì còn có hàng loạt sản phẩm OCOP chất lượng khác. Có thể kể tới như: Gà đồi Ba Vì, tinh bột nghệ nếp đỏ, mật ong nhãn… Đến nay, toàn huyện đã phát triển thành công tổng số 47 sản phẩm OCOP, được UBND TP Hà Nội đánh giá, công nhận 3 sao, 4 sao.
Đáng chú ý, huyện Ba Vì hiện đã có 5 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý. Cụ thể gồm: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, Miến dong Minh Hồng, Khoai lang Đồng Thái và Gà đồi Ba Vì. Đây là điều kiện thuận lợi để nông sản địa phương khẳng định vị thế trên thị trường và từng bước vươn xa.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ
Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, huyện Ba Vì đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, điển hình có vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 2.369ha gồm nhiều loại trái cây đa dạng như: Bưởi diễn, thanh long ruột đỏ, rứa, ổi, nhãn…Vùng sản xuất rau an toàn 168ha…
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, hiện tại, dù có nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, có tem truy suất nguồn gốc, song việc tiêu thụ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nông sản chủ yếu vẫn tiêu thụ qua các kênh bán buôn của thương lái, hoặc hộ sản xuất tự mang tới tiêu thụ tại các chợ đầu mối.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc tiêu thụ nhiều nhóm ngành hàng, sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì đang gặp những khó khăn nhất định. Chính vì vậy, địa phương mong muốn TP và các sở ngành tiếp tục quan tâm, tổ chức những chương trình kết nối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản của huyện nói chung.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung khẳng định, địa phương sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất, kinh doanh có thể vận chuyển nông sản thuận tiện nhất đến tay người tiêu dùng. Đồng thời mong muốn TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tạo điều kiện kết nối tiêu thụ giúp bà con ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Thông tin từ UBND huyện Ba Vì cho biết, địa phương hiện có nhu cầu tiêu thụ 20.000 con gà đồi, 500kg tinh bột nghệ và 13 tấn mật ong. Đây đều là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được chứng nhận bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Hệ thống phân phối có nhu cầu, có thể liên hệ người đại diện của huyện Ba Vì theo số điện thoại 0985669286. Các đơn hàng được tiếp nhận 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần.