Sáng 13/2, cùng với việc chuẩn bị cho lần khử trùng đợt 3 để phòng, chống dịch Covid-19, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị về công tác tập huấn cho các nhà trường về 32 cuốn sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt hồi cuối năm 2019.
Các giáo viên trường Tiểu học Cao Bá Quát tham gia hội nghị tập huấn lựa chọn SGK sáng 13/2. Ảnh: Bảo Trọng |
Theo ông Hoàng Việt Cường - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, do thời gian để các hội đồng “chốt” một bộ sách không còn nhiều, phía Phòng GD&ĐT liên tục yêu cầu các trường học chủ động triển khai các buổi họp, hội nghị, hội thảo để hiểu kỹ hơn nội dung 5 bộ SGK.
Tại trường Tiểu học Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, 43 cô giáo có mặt trong hội thảo về lựa chọn SGK lớp 1 mới. Lần lượt các bộ sách được Ban giám hiệu nhà trường giới thiệu khái quát, sau đó, các tổ bộ môn và giáo viên sẽ cho ý kiến về từng cuốn sách, nêu rõ ưu, nhược điểm.
Đánh giá chung các bộ SGK mới, cô Đinh Thị Băng Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Bá Quát, Gia Lâm nhận định, các bộ SGK mới đã có những bước thay đổi đáng kể. “Ví dụ ở môn Tiếng Việt, nếu ở sách cũ gói gọn vào 4 nội dung nghe nói đọc viết thì ở sách mới, các chuyên gia giáo dục đã mở rộng khả năng phát triển tri thức của học sinh, với sự phân hóa khéo léo”.
Cụ thể hơn, theo cô Vũ Minh Huệ - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Bá Quát, đơn cử như việc gắn từ vào tranh. Giả thiết từ đó là “tập múa” với các bức tranh khác nhau, trong đó có hình một cô gái mặc váy đang thực hiện các động tác cơ thể, ở mức phổ thông, các học sinh được dạy sẽ gắn các từ với bức tranh phù hợp. Còn ở mức phân cấp cao hơn, sau khi học sinh gắn được từ với bức tranh này, giáo viên sẽ hỏi lại lý do gắn từ và tranh đó, qua đó, sẽ có những học sinh có năng lực nhỉnh hơn được phát huy khả năng.
Cũng theo phân tích của cô Vũ Minh Huệ, trong các bộ sách, xuất hiện một thực tế có những cuốn sách chưa phù hợp với năng lực học sinh. Bà Huệ ví dụ cuốn “Chân trời sáng tạo”, ở bộ môn Tiếng Việt trong phần giới thiệu âm được coi “nhẹ hơn với học sinh”, như việc ghép từ “lá” với chiếc lá bên cạnh được đánh giá “quá dễ hiểu” đối với các học sinh lớp 1. Cô Huệ cho biết, các cuốn sách vừa sức với học sinh là những kiến thức, trình độ cao hơn vốn có của học sinh, học sinh chưa biết, chưa làm nhưng có thể chiếm lĩnh được, hoàn thành được với sự nỗ lực cao cộng với sự hỗ trợ từ giáo viên.
Liên quan đến hoạt động lựa chọn SGK, theo cô Đinh Thị Băng Tâm, hiện cả trường mới có 1 bộ, do vậy, phải tổ chức luân phiên các tổ nghiên cứu, sau đó phân công bộ phận tổng hợp để chuyển tới hội đồng lựa chọn sách.