Huyện Hoài Đức: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh “treo” đến bao giờ?

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã được giải phóng mặt bằng từ 2016, nhưng đến nay dự án (DA) nhà máy xử nước thải Vân Canh (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) vẫn là bãi đất trống…

 Hiện trên địa bàn Hoài Đức chỉ có Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Cầu Ngà (xã Dương Liễu), công suất 20.000m3/ngày; (XLNT từ chế biến nông sản thực phẩm tại các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế) hoạt động. Nhà máy XLNT Sơn Ðồng (công suất 8.000m3/ngày đêm), do BQLDA ÐTXD công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội thi công xây dựng. Dù chậm tiến độ, nhưng đến nay nhà máy này cũng sắp đi vào hoạt động. 
 Rác thải ngập cống Kênh T2, xã Sơn Đồng.
Còn lại, DA Nhà máy XLNT tại xã Vân Canh (công suất 4.000 m3/ngày), đã thu hồi đất và bàn giao mặt bằng từ năm 2016, nhưng đến nay, tất cả chỉ là bãi đất trống. Trao đổi với chúng tôi,  Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức Đồng Thị Nga cho biết: Do thay đổi hình thức đầu tư (từ nguồn đầu tư công sang xã hội hóa) nên đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Hoài Đức cũng nhiều lần đặt câu hỏi về DA này. Huyện cũng đề nghị TP có cơ chế thu hút các nhà đầu tư, hoặc giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách; tuy nhiên cho đến nay, TP vẫn chưa cho chủ trương.
Chủ tịch UBND xã Vân Canh Nguyễn Thế Minh chia sẻ: Dù gặp không ít khó khăn, nhưng do kiên trì vận động, nên từ 2016 người dân đã đồng ý trả lại đất, UBND xã đã GPMB toàn bộ diện tích 4000m2. Nhưng đã 5 năm trôi qua, đến nay DA Nhà máy XLNT Vân Canh vẫn chưa thấy triển khai…
Hoài Ðức hiện có 52 làng có nghề, tập trung vào các ngành chế biến nông sản, dệt may, bánh kẹo... với 393 doanh nghiệp và 7.941 hộ sản xuất, kinh doanh. Dù góp phần tích cực về giải quyết việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhưng nước thải từ hoạt động của các làng nghề cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nước sông Nhuệ, sông Ðáy.
 Vào cuối năm, nước thải từ chế biến nông sản vẫn xả thẳng ra kênh rạch phía ngoài đê Tả Đáy
Như đã nói, dù trên địa bàn có tới 3 DA XLNT, đến nay mới có Nhà máy XLNT Dương Liễu đi vào hoạt động, mới xử lý được số nước thải của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phía trong đê Tả Đáy. Còn phía ngoài đê, nước thải từ các hoạt động sản xuất vẫn xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng.
Trong những tháng cuối năm, khi các làng nghề chế biến nông sản ở Hoài Đức vào vụ, sông ngòi (ngoại đê Tả Đáy) luôn quánh đặc, nước thải không thể chảy nhanh vì lượng bùn đã quánh lại, “đóng bánh”, phủ kín dòng chảy. Còn tại Kênh T2, (đầu cầu Sơn Đồng, xã Sơn Đồng), rác thải tồn đọng, che kín mặt nước bốc mùi hôi thối nồng nặc…
 Sông Đáy đã bị bùn thải từ làng nghề chế biến nông sản "đóng bánh" như mặt ruộng!
Tiêu chí về vệ sinh môi trường rất quan trọng với các đô thị; với tình hình các DA XLNT còn chậm như hiện nay, ngày chuyển mình từ huyện lên quận của Hoài Đức “nghe ra” vẫn còn xa vời lắm… Đề nghị UBND TP sớm có biện pháp tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai các DA về XLNT trên địa bàn, đáp lại những kỳ vọng của người dân, sớm đưa huyện Hoài Đức trở thành quận.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần