Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa, cách đây nhiều năm, hành lang đường sắt (đoạn địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức), đã bị người dân tự ý đổ bê tông, tạo ra một con đường song song với đường tàu.
Cách đây vài tuần, một đoạn trong tuyến đường nói trên bị một số hộ dân tự ý mở rộng; tạo thành 2 chiều, dài chừng hơn 200m, có dải phân cách cứng, trồng cây xanh. Phía giáp đường tàu được dựng hàng cọc tiêu bằng sắt trông rất… quy mô!
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa thừa nhận: Gần đây, tranh thủ ngày nghỉ lễ, một số hộ dân đã tự ý đổ bên tông, lắp cọc tiêu, tạo dải phân cách, trồng cây, biến một đoạn hành lang đường sắt thành con đường. Về phía chính quyền, sau khi sự việc xảy ra, UBND xã La Phù đã có văn bản báo cáo UBND huyện Hoài Đức và đề nghị người dân giữ nguyên hiện trạng; chờ chỉ đạo xử lý từ cấp có thẩm quyền và ngành đường sắt.
Ông Nguyễn Hữu Khoa cho rằng; hiện nay hạ tầng giao thông trên địa bàn xã chưa đáp úng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Toàn xã có trên 500 hộ sản xuất kinh doanh, công ty lớn nhỏ và La Phù giờ đây đã trở thành đấu mối giao thương hàng hóa. Theo thống kê của chính quyền xã, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; ngày thấp nhất có khoảng 450 xe tải (đủ điều kiện) ra vào đất La Phù, ngày cao điểm phải trên 1000 xe.
Đến nay lượng xe ra, vào La Phù mỗi ngày còn gấp 10 lần con số nói trên, trong khi đó địa bàn xã La Phù chỉ có mỗi tuyến độc đạo với bề rộng tuyến đường chỉ 12m. Vào giờ cao điểm, tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra.
“Vẫn biết việc người dân tự ý mở tuyến đường mới (ven đường sắt) là vi phạm hành lang giao thông; nhưng nếu không có nó, giao thông ở La Phù nhiều lúc sẽ bị tê liệt, vì tuyến đường này đã và đang giảm tới 70% sự ùn tắc”- ông Khoa nói tiếp.
Theo quan sát của chúng tôi, tuyến đường mới mở rất thoáng, không cản trở tầm nhìn. Lâu nay, dọc theo tuyến đường sắt đã có hàng cọc tiêu, ngăn cách đường tàu với lối đi dân sinh tự phát, và đến nay con đường mới được “nâng cấp” vẫn tuân thủ “chỉ giới” cũ.
Vẫn theo ông Khoa, một giải pháp “khả dĩ” nhất cho vi phạm nói trên là giữ nguyên hiện trạng; xử lý vấn đề tiêu thoát nước, đóng các lối đi mà người dân tự mở; làm hàng rào cứng ngăn cách đường sắt với toàn bộ đường dân sinh…
Nói về giao thông ở xã La Phù, anh Đỗ Văn Dương – một cư dân mới chuyển đến sinh sống ở đây cho biết: Ùn tắc ở xã này đã mang tính quy luật, buổi trưa (từ 11h đến 13h), buổi chiều (từ 17h đến 20h), gần như ngày nào cũng tắc, vì các loại xe lớn bé từ nhiều địa phương đến trả và lấy hàng. Nếu không có tuyến đường tự phát, vào các khung giờ nói trên, nếu trong xã xảy ra hỏa hoạn hoặc cấp cứu thì mọi sự trở nên… bó tay!
Xã La Phù từ lâu đã là một làng nghề phát triển; đến nay lại trở thành chợ đầu mối lưu thông hàng hóa; kinh doanh thương mại phát triển từng ngày, vì vậy rất cần giải pháp về giao thông một cách căn cơ; nếu không sẽ khó lòng thúc đẩy kinh tế phát triển. Mặt khác, nếu không may xảy ra hỏa hoạn (đúng giờ tắc đường), xe cứu hỏa không vào được thì chưa biết việc gì xảy ra. Thiết nghĩ ngành chức năng huyện Hoài Đức và TP cần nghiên cứu để có giải pháp khả dụng cho bài toán giao thông ở xã La Phù.