Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Để từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ công tại các cơ quan Nhà nước, ngày 5/7/2022, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND về việc duy trì, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công (SIPAS) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện với mục đích khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế.
Theo Kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đề ra 2 mục tiêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công tại các đơn vị nhằm nâng cao chất lượng phục vụ mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc cung cấp dịch vụ công giai đoạn 2021 - 2025; Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức về việc cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác phục vụ.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND huyện đề nghị hằng năm Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tích cực thông tin, tuyên truyền việc triển khai và kết quả xác định chỉ số hài lòng (SIPAS) tới các cá nhân, tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về quyền lợi cũng như trách nhiệm trong việc tham gia giám sát, phản hồi ý kiến về chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, tất cả các thông tin đều được đăng tải công khai, đầy đủ nội dung thủ tục hành chính, cách thức nộp hồ sơ và nhận kết quả, thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện, thời gian thực hiện, phí, lệ phí đối với từng thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn, cổng thông tin điện tử của huyện.
Mở rộng hình thức thông tin tuyên truyền giúp người dân kịp thời tiếp cận dịch vụ hành chính công của các cơ quan một cách dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện. Thời gian tới huyện tiếp tục đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, dễ sử dụng để người dân, tổ chức sử dụng trong quá trình giao dịch, giải quyết công việc.
Rà soát, đơn giản hóa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Thực hiện nghiêm quy định về giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kê khai hồ sơ đầy đủ, chính xác, tuyệt đối không để các cá nhân, tổ chức phải đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ.
Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân và tổ chức. Niêm yết, công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận ý kiến kiến nghị, phản ánh của người dân và tổ chức.
Cùng với đó, UBND huyện yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền, trọng điểm ở các xã, thị trấn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả chỉ số hài lòng được huyện đánh giá hàng năm. Tổ chức khảo sát, đánh giá, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị.
Qua đó có giải pháp xử lý, khắc phục mặt tồn tại, hạn chế trong cung cấp dịch vụ công nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.