Huyện Hoài Đức: Quy hoạch khu đô thị mới Vân Canh đang bị “bóp méo”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thời khu đô thị mới Vân Canh (xã Vân Canh huyện Hoài Đức) là mô hình kiểu mẫu về kiến trúc đô thị, nhưng đến nay, nhiều căn hộ liền kề, biệt thự đã và đang bị người sử dụng “đập phá”, sửa chữa không đúng với thiết kế được phê duyệt, khiến cho bộ mặt khu đô thị trở lên méo mó…

Phá vỡ quy hoạch
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, khu đô thị mới Vân Canh (KĐT) được hình thành từ trước thời điểm tỉnh Hà Tây hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008), với quy mô trên 59ha. Theo thiết kế ban đầu, KĐT được phân thành các dãy liền kề (LK) và biệt thự (BT), vườn hoa, sân chơi...
 Một căn biệt thự bị "đập đi xây lại" tại KĐT Vân Canh
Sau hơn 10 năm hình thành, đến nay KĐT vẫn rất ngổn ngang, ngoài một số căn LK, BT đã có người sinh sống còn khá nhiều căn cửa đóng then cài. Gần đây, khi huyện Hoài Đức "rục rịch” chuyển thành quận, người dân mua nhà tại KĐT chuyển về sinh sống ngày một đông. Phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị, nhiều hộ dân sinh sống trong KĐT cho biết, thời gian qua, hằng chục căn LK và BT trong KĐT được tu sửa lại, sai với thiết kế thiết kế ban đầu. Trong quá trình cải tạo, nhiều hộ xây dựng lấn chiếm, kiên cố hóa cả phần không gian sân vườn. Điều đáng nói, trong thiết kế tổng thể sân vườn là nơi giúp thông thoáng không khí, an toàn cháy nổ.
 Xưởng sản xuất tồn tại trong KĐT, làm hình ảnh đô thị méo mó
Việc cải tạo sai với thiết kế ban đầu gây ảnh hưởng kết cấu nền, móng của các nhà LK, che lấp phần chiếu sáng tự nhiên. Người dân sống cạnh những ngôi nhà đang cải tạo đã có kiến nghị dừng việc xây dựng sai quy hoạch, nhưng các hộ vi phạm vẫn bất chấp. Cụ thể, tại một số các căn LK (thuộc  số 26 dãy LK 18, số 24 LK 28, số 31 LK 29, số 38 LK 32, số 31 LK 35, số 23 LK38), đều có hành vi vi phạm trật tự xây dựng.  Đặc biệt tại số 17 BT8, chủ hộ đã phá toàn bộ ngôi biệt thự cũ, chuẩn bị xây mới căn nhà. Số 11 BT 14 đã được chủ nhà “phá cũ - xây mới”, hoàn thiện đưa vào sử dụng một biệt thự hoành tráng. Nhiều căn thuộc các dãy LK khác trong KĐT cũng tu bổ, dựng thêm phần khung sắt ở khoảng không phía trước, phía sau căn nhà, khiến cho bộ mặt đô thị trở lên méo mó!
Lập biên bản rồi… cho tồn tại
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, ông Phạm Xuân Trình, cán bộ Đội quản lý TTXD huyện Hoài Đức cho biết: Hầu hết các trường hợp vi phạm đã được chính quyền và ngành chức năng lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Đội quản lý TTXD đã phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra những tốp thợ xây dựng và yêu cầu dừng thi công, tuy nhiên, chủ các công trình vẫn lén lút xây chui.
Vẫn theo ông Phạm Xuân Trình, các công trình đã và đang sửa chữa - nếu không đúng với thiết kế, tới đây chính quyền xã và Đội quản lý TTXD sẽ tiến hành thanh kiểm tra và báo cáo lãnh đạo huyện xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Qua các văn bản xử phạt (do ông Trình cung cấp) cho thấy, một số công trình vi phạm được Đội quản lý TTXD xác định đã “xây dựng công trình không đúng với thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng”. 
 Căn số 23 LK 38 KĐT trước  bị lập biên bản...
Cụ thể, căn số 23 LK 38, chủ hộ đã xây dựng thêm tại phần sân tầng 1 lên tới 99,2m2. Ngày 29/10, chủ công trình này là ông Vũ Lê Hòa đã bị UBND huyện Hoài Đức ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 22.500.000 đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay công trình nêu trên vẫn tiếp tục xây dựng, sửa chữa, như không hề có sự ngăn chặn nào? 
 Nhưng sau đó, chủ nhà đã hoàn thiện phần vi phạm và có hiện tượng cơi nới thêm tầng...
 Theo quy định của HUD8 (đơn vị thành viên chủ dự án là Tổng Công ty ĐT&PT nhà – Bộ Xây Dựng): Khi phát hiện các hộ vi phạm hồ sơ thỏa thuận, đăng ký hoàn thiện - thì chủ đầu tư có trách nhiệm: “Tạm dừng việc thi công xây dựng và yêu cầu khách hàng phá bỏ toàn bộ phần xây dựng không đúng với hồ sơ xin thỏa thuận xây dựng được duyệt. Trường hợp khách hàng không tự phá dỡ trong 5 ngày, HUD8 sẽ báo cáo, phối hợp với đơn vị quản lý Nhà nước về TTXD tại địa phương tiến hành tháo dỡ phần vi phạm. Dừng không cho xe chở vật tư, VLXD do khách hàng đăng ký vào dự án. Thông báo với đơn vị cung cấp điện, nước dừng cung cấp dịch vụ”. Hình như quy định này chỉ có “hiệu lực trên giấy”, bởi sai phạm xảy ra nhiều, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa “trảm” được trường hợp nào!
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần