Thay đổi nhận thức
Để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn Phú Xuyên đã từng bước đáp ứng triển khai chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Bộ phận một cửa cấp huyện, các xã, thị trấn được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đáp ứng việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) cho các tổ chức, cá nhân.
Trong phát triển nền tảng, hệ thống, các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã, thị trấn của Phú Xuyên đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung theo mô hình quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông 4 cấp, có sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử.
Chia sẻ về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do T.Ư và các bộ ngành triển khai. Xác định thương mại điện tử đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số.
Qua đó, năm 2023, UBND huyện Phú Xuyên đã xây dựng sàn thương mại điện tử Phuxuyen.trangvang.top để đưa các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiểu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn vào chương trình để quảng bá, xúc tiến, giới thiểu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số, từ năm 2023 đến nay, UBND huyện Phú Xuyên đã mở các lớp tập huấn cơ bản và nâng cao về cách thức bán hàng là những sản phẩm của làng nghề trên các sàn thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hội.
Từ đó, giúp các cá nhân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trên toàn địa bàn được tiếp cận về những kiến thức bán hàng online; hiểu nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến, tìm cơ hội kinh doanh mới thông qua các nền tảng trực tuyến.
Phú Đôi là một trong những làng nghề của xã Đại Thắng có số lượng bán hàng online, quảng cáo sản phẩm làng nghề nổi tiếng. Từ chỗ làng nghề ít người biết đến, nay nhờ quảng bá qua công nghệ và mạng xã hội, làng nghề mộc, kim cơ khí… của địa phương đã được nhiều người biết đến hơn.
Đặc biệt hơn, khi toàn bộ số hộ gia đình sản xuất cùng tham gia, địa phương dễ dàng tuyên truyền để việc kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Mặt khác là giữ được uy tín, chất lượng, thương hiệu cho làng nghề cũng như sản phẩm làng nghề.
Anh Trần Tuấn Hải, chủ một shop chuyên bán sản phẩm đặc sắc của làng nghề Phú Đôi chia sẻ về lợi ích của "thôn thông minh": Trước đây, cuộc sống bận rộn, mạnh ai nấy làm, nhưng nay nhờ vào công nghệ mà tình làng nghĩa xóm keo sơn hơn, ai có việc gì là chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau kịp thời.
Thêm nữa, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Anh em trong các nhóm tổ công nghệ số cộng đồng, nhóm Zalo Nhân dân thôn đều vận động nhau bán hàng đúng giá, đúng chất lượng, xây dựng thông tin minh bạch, phục vụ khách hàng tốt nhất, cạnh tranh lành mạnh để làng nghề phát triển hơn nữa.
Chuyển đổi số ở phạm vi rộng
Không chỉ ở Đại Thắng, việc xây dựng "thôn thông minh" cũng đã đem tới nhiều thay đổi với đời sống của người dân xã Tri Trung. Phó Công an xã Tri Trung Nguyễn Đức Tôn thông tin, UBND xã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã với 16 thành viên do trưởng thôn làm tổ trưởng.
Cùng với đó các thành viên là đoàn viên thanh niên, hội viên chi hội phụ nữ, công an viên thôn, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thôn tại địa bàn xã về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Để phát triển xã hội số, UBND huyện tăng cường chỉ đạo lắp đặt mạng truyền dẫn cáp quang đến từng địa phương. Với kết quả khả quan từ mô hình Trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn thông minh được triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân, giúp người dân có thể truy cập internet mọi lúc, mọi nơi.
Huyện cũng tăng cường khuyến khích dân số trong độ tuổi trưởng thành mở các tài khoản thanh toán điện tử. Thí điểm triển khai các khu chợ thông minh, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách quét mã QR code; đồng thời, tạo thuận tiện trong việc nộp phí, lệ phí, thuế một cách nhanh chóng, chính xác.
Ngành giáo dục Phú Xuyên cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở các cấp học. Mô hình Trường học số (thực hiện lưu trữ hồ sơ trường trên hệ thống điện toán đám mây, đăng ký và sử dụng chữ ký số trong xác nhận hồ sơ) được triển khai tại các trường mầm non, tiểu học và THCS. Các trường từng bước hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, thư viện số.
Chuyển đổi số trong ngành Y tế là lĩnh vực cũng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại bệnh viện đa khoa Phú Xuyên, thực hiện chuyển đổi số, khi đến khám chữa bệnh, bệnh nhân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip điện tử để đăng ký thủ tục, không cần mang theo bảo hiểm y tế. Bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, số hoá tài liệu trong hồ sơ bệnh án, chuyển từ bản giấy sang điện tử.
“Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, Phú Xuyên xác định cần phải thực hiện nhiều phương án, kế hoạch bài bản, triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của huyện lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP” - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính khẳng định.