Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Sóc Sơn: Mong ước cây cầu vượt sông Cà Lồ đã thành hiện thực

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm tích cực thi công, cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ tại huyện Sóc Sơn đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cây cầu không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế mới cho những địa phương ven sông.

Người dân phấn khởi vì có cầu mới

Năm nay 68 tuổi, ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Vân Tảo (xã Xuân Giang) đã sinh sống một đời bên dòng sông Cà Lồ. Nhiều năm về trước, ông cùng hàng trăm hộ dân vẫn phải đi đò qua bờ bên kia con sông để canh tác nông nghiệp.

Năm 1974, nhận thấy nhu cầu bức thiết của người dân, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một cây cầu sắt nối đôi bờ sông. Tuy nhiên sau gần 50 năm sử dụngg, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân huyện Sóc Sơn và vùng lân cận. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân huyện Sóc Sơn và vùng lân cận. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Lắng nghe ý kiến của cử tri địa phương, UBND TP Hà Nội đã quyết định bố trí gần 68,6 tỷ đồng từ ngân sách TP, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư, triển khai các bước thực hiện dự án cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ tại huyện Sóc Sơn. Đến nay sau 2 năm kể từ thời điểm khởi công, dự án đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

“Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, không nghĩ có ngày lại được đi trên cây cầu mới xây dựng bằng bê tông cốt thép vững chãi; không còn phải nơm nớp lo lắng mỗi khi qua lại cây cầu sắt cũ…” - ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Có cây cầu mới, người dân xã Xuân Giang và các địa phương lân cận đi sang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng thuận lợi hơn nhiều. “Trước khi có cầu Ngọc Hà, vào mùa mưa lũ, người dân thường phải đi đường tránh xa hơn 7 cây số vì lo ngại cây cầu sắt cũ kỹ không đủ an toàn...” - cô Nguyễn Thị Hợi ở thôn Ngọc Tảo (xã Xuân Giang) chia sẻ.

Một điểm hết sức thuận lợi nữa là cầu Ngọc Hà được thiết kế để bảo đảm nhu cầu vận tải ngày càng cao của người dân. Các phương tiện tải trọng lớn có thể qua lại cầu dễ dàng. Trước đó, cây cầu sắt cũ chỉ phục vụ việc đi lại cho người đi bộ và xe đạp, xe máy. Ô tô các loại phải đi lối khác để qua sông Cà Lồ.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông

 

Cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ có chiều dài 220,9m (tính đến đuôi mố); bề rộng cầu B=9,5m; kết cấu bằng bê tông, bê tông cốt thép dự ứng lực và được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế 22TCN 272-05. Cầu được khởi công tháng 10/2021.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - đơn vị được UBND TP giao làm chủ đầu tư, dự án cầu Ngọc Hà được triển khai trong 2 năm. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, đơn cử như việc phải tạm dừng thi công vào mùa nước sông Cà Lồ lên cao, làm ngập các mố cầu, hay giá nguyên vật liệu tăng cao… Tuy nhiên đến nay, với sự phối hợp chặt chẽ của huyện Sóc Sơn, dự án cũng đã hoàn thành để phục vụ nhân dân. 

Đánh giá về ý nghĩa của cầu Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang Nguyễn Xuân Tân cho biết, cây cầu đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của người dân địa phương. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất nông nghiệp cho nhân dân, cây cầu còn mở rộng kết nối giao thông giữa xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn với các địa phương lân cận.

Tại lễ gắn biển cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ là công trình chào mừng Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ 8 (nhiệm kỳ 2023-2028) mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đánh giá công trình sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của huyện Sóc Sơn và trong vùng; từng bước hoàn thiện và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Trong niềm vui chung vẫn còn đó vấn đề người dân dân quan tâm. Mặc dù cầu Ngọc Hà đã hoàn thành, tuy nhiên, theo quan sát, đường dẫn lên cầu phía bờ hữu sông Cà Lồ chưa được đầu tư kiên cố hoá các tuyến nhánh. Chính vì vậy, kiến nghị các sở ngành của TP và huyện Sóc Sơn tiếp tục quan tâm để hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thuận lợi giữa các địa phương.