Tuyến đê tả Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai là đê cấp I với chiều dài khoảng 17km. Dọc tuyến đê có 6 công trình kè hộ bờ; 3 cống tưới, tiêu qua đê và các công trình phụ trợ khác. Huyện có 9 xã nằm ven sông Đáy, trong đó có 1 xã nằm trọn trong vùng bãi sông. Tổng diện tích tự nhiên của vùng bãi sông là 721ha. Số hộ gia đình 4.989 hộ với 19.356 khẩu.
Trong gần 50 năm qua, đê tả Đáy là đê khô. Các sự cố sạt, trượt mái đê những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Dòng sông bị bồi lắng nhiều, nhân dân hai bên bờ sông xây dựng nhà ở còn tùy tiện. Từ đó làm cho dòng chảy trong sông bị thay đổi dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông thường xuyên xảy ra mỗi khi nước sông lên, xuống. Hiện, toàn tuyến đê sông Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai có 3 vị trí đang bị sạt trượt nghiêm trọng thuộc địa phận thôn Đa Ngư, xã Cao Dương (từ khu vực nhà thờ thôn Đa Ngư đến cầu Phú Nam An với chiều dài khoảng 600m).
Trong đó, đoạn thứ nhất: Lún, nứt dọc đường đỉnh kè từ K41+180 đến K41+200 dài 20m, rộng 4cm, sâu 5cm. Đoạn thứ hai, sụt mái kè K41+350 rộng 1 đến 1,5m, sâu từ 0,5 đến 0,7m. Khu vực dân cư thôn Đa Ngư đã sinh sống từ lâu đời tương đương với lý trình K40+400 đến K40+800 dài 400m. Tại đây một số bụi tre dọc theo khu vực nhà thờ đã bị tụt xuống sông. Đặc biệt tại K40+750 đê tả Đáy bị lún sụt đường dân sinh sát mép bờ sông dài 6m, rộng 1,5m, sâu từ 5 đến 10cm.Theo đánh giá nguyên nhân của UBND huyện Thanh Oai, đây là đoạn sông cong, dòng chủ lưu ép sát bờ, mực nước thường xuyên biến động do dòng chảy và thủy triều dâng, đường dân sinh sát mép bờ sông, vì vậy gây ra hiện tượng lún sụt đường. Để đảm bảo an toàn đê điều, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa, bão năm 2017 và các năm tiếp theo, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân nhân, cải thiện cảnh quan môi trường, ổn định đời sống nhân dân. huyện Thanh Oai đề nghị UBND TP Hà Nội đầu tư kinh phí xử lý cấp bách sạt lở bờ tả sông Đáy thuộc địa phận xã Cao Dương thời gian xong trước 31/12/2017.