Nghiêm túc trong triển khai, đánh giá
Ngày 29/2, UBND huyện Thanh Trì tổ chức công bố kết quả chỉ số CCHC áp dụng đối với các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và chỉ số khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc huyện năm 2023.
Thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”, năm 2023, công tác CCHC của huyện Thanh Trì tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đáp ứng theo yêu cầu của người dân, tổ chức. Việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số đã tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng phục vụ của người dân và doanh nghiệp…
Huyện tổ chức kiểm tra công vụ, tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, lao động tại 43 đơn vị. Nhìn chung, các đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tổ chức và quản lý bộ máy, biên chế, kịp thời nhắc nhở các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc cập nhật, niêm yết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Tổ chức đối thoại thường niên với người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC. Triển khai thực hiện Đề án “Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị CNTT tại bộ phận Một cửa, tiếp dân huyện và các xã, thị trấn”; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết TTHC.
Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp huyện của Thanh Trì đạt 85,21%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp huyện đạt 86,76%. Năm 2023, huyện đứng thứ 5/30 quận, huyện về chỉ số CCHC.
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Lợi, chỉ số CCHC là công cụ để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả công tác CCHC của các cơ quan hành chính, qua đó giúp cho các cơ quan, đơn vị có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai CCHC.
Theo đó, chỉ số CCHC áp dụng đối với các phòng chuyên môn được xác định trên 9 lĩnh vực, 35 tiêu chí và 51 tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC áp dụng đối với khối xã, thị trấn được xác định trên 7 lĩnh vực, 48 tiêu chí và 59 tiêu chí thành phần.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND 16 xã, thị trấn tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm nghiêm túc, khách quan, chính xác, việc chấm các tiêu chí, tiêu chí thành phần đều dựa trên các căn cứ, tài liệu kiểm chứng. Công tác thẩm định được tổ chức khẩn trương, nghiêm túc, phát huy được sự tham gia của các phòng chuyên môn phụ trách lĩnh vực CCHC trong việc đề xuất ý kiến, tham mưu để Hội đồng thẩm định có cơ sở quyết định điểm đánh giá đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần, trình UBND huyện phê duyệt và công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 áp dụng đối với các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chính xác, khách quan.
Kết quả đánh giá, chấm điểm trung bình chỉ số CCHC của 12 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Thanh Trì đạt trung bình 93,34%, tăng 0,78% so với kết quả năm 2022. Trong đó, Phòng Tài chính – Kế hoạch xếp vị trí thứ nhất với chỉ số 97,97%; Phòng Nội vụ xếp vị trí thứ hai với chỉ số 96,86%. Giá trị trung bình chỉ số CCHC của UBND 16 xã, thị trấn năm 2023 là 94,99%, tăng 3,6% so với kết quả năm 2022. Trong đó, xã Vĩnh Quỳnh giữ vững là đơn vị xếp thứ nhất với chỉ số 97,5%; xã Tam Hiệp xếp vị trí thứ hai với chỉ số 97,35%...
Đối với chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) thuộc huyện đạt bình quân 87,57%. Trong đó, xã Tam Hiệp duy trì vị trí đứng đầu với chỉ số hài lòng đạt 98,17%; xã Thanh Liệt xếp vị trí thứ hai với chỉ số hài lòng đạt 98,03%...
Tiếp tục phát huy các mô hình hay, sáng kiến mới
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, công tác CCHC luôn được Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Thanh Trì quan tâm, tập trung đẩy mạnh, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác CCHC, chất lượng hoạt động của các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn. Cải cách TTHC gắn với đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, ủy quyền của Thành phố và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, đơn vị dẫn đầu trong việc nỗ lực cải thiện các mặt trong công tác CCHC, không ngừng tìm tòi, triển khai các mô hình, sáng kiến cải cách hiệu quả, có khả năng ứng dụng cao trong công việc, với mục tiêu phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, đề nghị phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cần coi CCHC là nhiệm vụ quan trọng, định kỳ hàng năm. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình; xây dựng kế hoạch CCHC năm phải bám sát Chương trình 01 của Thành ủy, Chương trình số 08 của Huyện ủy, kế hoạch CCHC của huyện và các chương trình, kế hoạch tuyên truyền CCHC, kế hoạch nâng cao Chỉ số PAR-Index, SIPAS năm 2024.
Đặc biệt, phải bố trí đủ nguồn lực, kinh phí, phương tiện để đảm bảo triển khai hiệu quả kế hoạch CCHC. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Giao phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện tăng cường kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm những vi phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đối với các phòng là cơ quan thường trực các nội dung về CCHC (Nội vụ, Văn phòng, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Thanh tra, Kinh tế) theo chức năng được phân công, chủ động tham mưu cho huyện các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động theo từng ngành, lĩnh vực.
Các xã, thị trấn cần tiếp tục chú trọng hoạt động đánh giá kết quả công tác CCHC qua xác định chỉ số CCHC hằng năm trong nội bộ đơn vị, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, thực chất, đúng yêu cầu của Thành phố và huyện đề ra.