Sau khi được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2014, từ năm 2015 - 2019, xã Hồng Vân tiếp tục tập trung chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, cùng sự chung sức của đông đảo các tầng lớp nhân dân để nâng cao các tiêu chí NTM.
Theo đó, từ năm 2015 - 2019, toàn xã đã huy động được gần 163 tỷ đồng (trong đó có hơn 13 tỷ đồng nguồn vốn DN, hợp tác xã và Nhân dân đóng góp), để đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cải thiện thu thập và giảm nghèo bền vững.
Đến nay, 100% đường trụ liên thôn xã, ngõ xóm đã được kiên cố hóa. 182ha đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn xã Hồng Vân được bảo đảm công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia đầy đủ và cho sản xuất và sinh hoạt…
Công tác y tế, giáo dục tiếp tục được nâng cao thêm một bước. Hiện, cả 3 cấp trường mầm non, tiểu học và THCS của xã đều đã đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1. Xã Hồng Vân cũng đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,3%. 96,2% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ…
Đáng chú ý, nhờ đa dạng hoá các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch nông thôn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ nên thu nhập bình quân của người dân xã Hồng Vân liên tục tăng. Đến nay, đã đạt 54,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 0,25%.
Tại cuộc kiểm tra, đánh giá các tiêu chí NTM nâng cao của xã Hồng Vân, đại diện các sở ngành đã thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn hạn chế của địa phương này. Đơn cử như việc thiếu nắp cống trên hệ thống giao thông, hệ thống diện được lắp đặt chưa bảo đảm an toàn, cùng một số bất cập về môi trường…
Mặc dù vậy, căn cứ Hướng dẫn số 434/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội, xã Hồng Vân vẫn được chấm 96,4/100 điểm, đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019. Điều này cũng đồng nghĩa, xã Hồng Vân là địa phương đầu tiên của huyện Thường Tín đủ điều kiện để xét trình TP công nhận đạt chuẩn nâng cao.