Quá trình tiến hành điều tra, thu thập thông tin và làm việc với các tiểu thương cũng như UBND huyện và xã, phóng viên không chỉ phát hiện Ban quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ trước đây và chính quyền địa phương đã cho thuê mặt bằng 45 ki ốt không nằm trong quy hoạch, thu lợi bất chính cho một số cá nhân.
Thậm chí, các tiều thương sau khi được cho thuê mặt bằng đã rào chắn “bao vây” toàn bộ khu vực nhà vệ sinh và căng phông bạt, gây nên hình ảnh nhếch nhác, phản cảm. Cùng với đó, do 45 ki ốt này không nằm trong quy hoạch nên rác thải, chất thải và nước thải được xả bừa bãi ra bên ngoài, không theo hệ thống cống rãnh khiến toàn bộ khu vực phía cuối chợ luôn có mùi hôi thối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ có quy mô là chợ hạng 2 thuộc UBND huyện Thường Tín quản lý, điều hành. Trước khi đưa vào hoạt động, khai thác sử dụng đã được UBND huyện giao cho xã Lê Lợi tạm thời quản lý, vận hành từ khoảng những năm 2006 cho đến nay. Tuy nhiên, do lãnh đạo UBND xã những nhiệm kỳ trước và Ban quản lý chợ buông lỏng quản lý, làm trái quy định nên mới nảy sinh nhiều bất cập.
Những bất cập hiện nay không chỉ là việc cho thuê các ki ốt, cho thuê mặt bằng trái phép để tiểu thương buôn bán gia cầm, bên cạnh đó còn 162 gian ki ốt kiên cố trong chợ đã hết hạn hợp đồng từ tháng 9/2021, cho đến nay chưa được hướng dẫn việc gia hạn thời gian thuê thầu. Chính vì vậy, UBND xã và Ban quản lý chợ thời kỳ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, thu thuế.
Đặc biệt, trong nhiều năm gần đây, UBND xã và Ban quản lý chợ không thu được các khoản tiền thuế từ các tiểu thương đã gây thất thoát tài sản cho Nhà nước, khiến chính quyền địa phương không bố trí được kinh phí để cải tạo những hạng mục, ki ốt đang bị xuống cấp. Do vậy, ngày 26/5/2022, UBND xã đã có tờ trình số 18/TTr-UBND gửi UBND huyện Thường Tín xin gia hạn thời gian thuê ki ốt và tu sửa một số hạng mục.
Theo Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Tấn Phát, thời gian gần đây, công tác quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ đang gặp rất nhiều khó khăn do chính các tiểu thương khiếu kiện lẫn nhau, mặc dù một số nội dung đã được UBND xã báo cáo UBND huyện để mong sớm tìm được hướng giải quyết, giúp ổn định tình hình.
Đối với hàng chục trường hợp dựng lều lán ở khu vực gần cổng ra vào chợ đã được UBND xã xử lý dứt điểm từ đầu năm 2022, tuy nhiên đến nay vẫn còn 45 tiểu thương khác đã nộp tiền một lần với các khoản cho Ban quản lý chợ từ hơn 10 năm trước, nay xã đang chờ huyện hướng dẫn giải quyết, xử lý. Sự chậm trễ của đoàn kiểm tra khi được huyện giao cho xác minh, làm rõ những kiến nghị của tiểu thương từ nhiều tháng nay đang thực sự gây khó hiểu cho cán bộ và Nhân dân địa phương (?).
“Việc số đông tiểu thương trong 162 tiểu thương có ki ốt trong chợ không nộp thuế cho UBND xã và Ban quản lý chợ mà cho rằng mình đã nộp một lần cho Ban quản lý chợ trước đây nên không phải nộp nữa cũng mong UBND huyện sớm xác minh, làm rõ. Do không thu được các khoản thuế từ tiểu thương để làm nguồn kinh phí duy trì hoạt động và sửa chữa công trình khiến nhiều hạng mục của chợ bị xuống cấp” - Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Tấn Phát khẳng định.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định: UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra với các ngành như: Công an huyện, phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị, phòng TNMT…, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy đoàn kiểm tra báo cáo cụ thể vụ việc. Để sớm giải quyết dứt điểm những khuất tất trong công tác quản lý tài chính, thu chi của Ban quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, UBND huyện Thường Tín sẽ giao cho phòng Tài chính xác minh, làm rõ để làm cơ sở giải quyết.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.