Lãnh đạo UBND xã Văn Tự đọc quyết định tháo dỡ công trình trình vi phạm tại thôn Minh Nga, hồi cuối tháng 4/2021. |
Nằm ở phía Tây của huyện Thường Tín và liền kề với Quốc lộ 1A, Văn Tự là một trong những xã thuần nông với 9.563 khẩu, 3.040 hộ dân sinh sống ở 4 thôn có tổng diện tích đất tự nhiên rộng 517ha, trong đó có 360ha đất nông nghiệp, ao hồ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sản phẩm gỗ nguyên khối và đồ gỗ thành phẩm tiêu thụ ngày một tăng đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Sự phát triển của làng nghề đã thúc đẩy nhu cầu có mặt bằng sản xuất đối với các cơ sở kinh doanh gỗ và đồ gỗ ở địa phương. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc những năm qua, tại xã này đã xảy ra nhiều trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình nhà xưởng làm nơi sản xuất.
Lực lượng chức năng huyện Thường Tín và xã Văn Tự tiến hành tháo dỡ công trình vi phạm tại thôn Minh Nga thời điểm cuối tháng 4/2021. |
Từ năm 2010 - 2016, trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng trái phép bị lập biên bản và tổ chức cưỡng chế. Ngoài ra, trong năm 2017 - 2018, hàng chục trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng tồn tại cũ ở thôn Minh Nga và thôn Đinh Xá cũng đã được chính quyền địa phương xử lý. Từ đó đến nay, tại một số vị trí đất nông nghiệp, đất công xen kẹt cũng vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm nhưng thuyên giảm hơn so với trước.
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn, thời gian qua, công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chính quyền địa phương để vi phạm tồn tại. Hàng năm, UBND xã thường xuyên xử lý các công trình vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Đặc biệt thời điểm cuối tháng 4/2021, UBND xã đã cùng các phòng ban chuyên môn của huyện cương quyết tổ chức tháo dỡ 9 công trình nhà xưởng, lều lán vi phạm của các hộ dân tại khu lò gạch, thôn Minh Nga.
Từ một xã chỉ có khoảng 100 hộ làm nghề buôn bán gỗ nguyên khối, nhưng gần 20 năm qua, con số cơ sở và doanh nghiệp sản xuất, buôn bán đồ gỗ tại Văn Tự đã tăng rất nhanh. Toàn xã hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất đồ gỗ, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đó là chưa kể đến hàng trăm doanh nghiệp, công ty. Tuy nhiên, đến năm 2019, xã Văn Tự mới được TP và doanh nghiệp quan tâm, hoàn thành đầu tư xây dựng điểm công nghiệp làng nghề rộng 7,3ha nhưng mới chỉ thu hút được khoảng 80 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn, để giảm thiểu tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng, mặt khác cũng là để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và đảm bảo nguồn thu thuế cho Nhà nước, UBND xã và doanh nghiệp đã hoàn thiện báo cáo, hồ sơ pháp lý trình các cấp có thẩm quyền xin mở rộng thêm hơn 6ha đất nông nghiệp nằm liền kề với điểm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự theo đúng vị trí đã điều chỉnh quy hoạch khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên được các cấp, ngành phê duyệt.
Hiện trường công trình nhà xưởng vi phạm tại thôn Minh Nga, xã Văn Tự sau khi được tháo dỡ ngày 22/4/2021. |
“Nếu việc mở rộng điểm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự được các cấp, ngành phê duyệt, triển khai sớm thì sẽ có thêm khoảng 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn xã có mặt bằng sản xuất. Có như vậy thì tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng tại Văn Tự mới có thể giảm, cán bộ địa phương không còn phải vất vả, lo ngay ngáy trực trông giữ đất nữa. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân và cán bộ địa phương” - ông Sơn khẳng định.