Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy vọng có được gói cứu trợ mới trước bầu cử tắt dần, chứng khoán Mỹ giảm nhẹ

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ quay đầu sụt nhẹ do nhà đầu tư giảm kỳ vọng sẽ có thêm gói kích thích quy mô lớn trước bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt đi xuống trong phiên ngày 21/10 khi đại diện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về dự luật kích thích tài khóa  quy mô lớn đối phó dịch Covid-19.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones sụt 97,97 điểm (tương đương 0,4%) xuống 28.210,82 điểm sau khi tăng hơn 100 điểm ở đầu phiên. Chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống 3.435,56 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,3% còn 11.484,69 điểm.
Chứng khoán Mỹ phiên giữa tuần đã phải vật lộn để tìm hướng đi trong phần lớn thời gian giao dịch khi tiến trình đàm phán về gói kích thích tài khóa mới vẫn chưa có nhiều đột phá.
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên 21/10.
Trả lời phỏng vấn hãng tin MSNBC, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 21/10 cho biết bà hy vọng cả hai đảng có thể giải quyết "những vấn đề cần thiết" trong dự luật cứu trợ kinh tế ngay trong ngày.
Trước đó, phát biểu với báo giới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows ngày 20/10 cho biết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đạt được "tiến bộ tốt" trong cuộc thảo luận về gói kích thích.
Tuy nhiên ông Meadows nói thêm rằng bà Pelosi và ông Mnuchin "vẫn còn nhiều việc phải làm" trước khi đạt được thỏa thuận.
Ông Yousef Abbasi - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính StoneX nhận xét: "Dường như thị trường đang gia tăng lo ngại khi các cuộc đàm phán về gói cứu trợ bế tắc và chưa thể sớm đạt được thỏa thuận. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối bất kỳ dự luật nào nhiều hơn đề xuất khiêm tốn của họ, và nhiều tín hiệu cho thấy khả năng thông qua dự luật về gói cứu trợ trước bầu cử là hết sức xa vời".
Cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Pelosi và Bộ trưởng trong ngày 20/10 tiếp tục nỗ lực vào phút cuối cùng để đưa ra một thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11. Đảng Dân chủ và Chính quyền Tổng thống Trump gặp khó khăn trong nhiều tháng nay để vượt qua những bất đồng cơ bản về các biện pháp kích thích bổ sung, bao gồm giá trị số tiền hỗ trợ đối phó đại dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, Alec Phillips cho rằng “các vấn đề lớn nhất vẫn chưa được giải quyết và một thỏa thuận dường như không thể sớm đạt được”. "Các khác biệt còn lớn trong khi thời gian còn lại quá ít, có vẻ như bà Pelosi và ông Mnuchin sẽ rất khó đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử. Đặc biệt, cho dù hai bên nhất trí một thỏa thuận thì dự luật cũng khó có thể được thông qua trước ngày bầu cử", chuyên gia Phillips nói.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ hôm thứ Tư đưa tin, Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell được cho là đã kêu gọi các nhà lập pháp Cộng hòa và Nhà Trắng phản đối thỏa thuận về một gói viện trợ quy mô lớn trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Trong một diễn biến khác, cổ phiếu Netflix sụt gần 7% sau khi công bố lợi nhuận đáng thất vọng và số người dùng trả tiền thấp hơn dự kiến. Goldman Sachs và Boeing là hai cổ phiếu lao dốc mạnh nhất Dow Jones khi mất lần lượt 2,5% và 2%.
Cổ phiếu hãng công nghệ Snap nhảy vọt 28,3% lên đỉnh lịch sử sau khi thông báo kết quả kinh doanh quí III vượt xa kì vọng của giới phân tích. Các cổ phiếu công nghệ khác cũng diễn biến tích cực như Facebook tăng 4,2%, Twitter vọt lên 8,4%, Alphabet thêm 2,3%.
Theo đà giảm điểm của sàn Phố Wall, chứng khoán châu Á cũng đi xuống trong phiên giao dịch ngày 22/10 sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo kinh tế khu vực.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,57%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 0,74% trong khi Topix giảm 1,1%. Cổ phiếu ANA Holdings giảm gần 5% sau thông tin hãng hàng không này dự kiến báo lỗ hàng tỷ USD trong năm tài chính tính đến tháng 3. Cổ phiếu Japan Airlines cũng mất 2,8%.
Thị trường Trung Quốc cũng ghi nhận sắc đỏ với Shanghai Composite lùi 0,83%, Shenzhen Component giảm 0,941%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông sụt 0,22%.
Tại các thị trường khác cũng giảm điểm, trong đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,94%, còn chỉ số ASX 200 của Australia hạ 0,3%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/10 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm nay xuống -2,2%, con số “tồi tệ nhất tại khu vực hàng chục thập kỷ”.
“Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực cho thấy đà phục hồi bắt đầu trong quý III nhưng động lực tăng trưởng không đồng đều giữa các nước, dẫn đến chênh lệch”, Jonathan D. Ostry, quyền giám đốc Phòng châu Á - Thái Bình Dương tại IMF cho biết./.