Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy vọng về một thế giới chung tay trước thách thức

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình thế giới ngày càng chia rẽ, đầy thách thức nhưng vẫn tràn đầy hy vọng nếu cộng đồng quốc tế có thể chung tay góp sức, cùng hành động.

Đó là khẳng định của lãnh đạo LHQ tại Phiên thảo luận chung Đại hội đồng(ĐHĐ) LHQ khóa 77 khai mạc với chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối” ngày 20/9 (giờ địa phương).  

Hy vọng về một thế giới bớt chia rẽ và tăng cường hành động

Tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng tuy tình hình thế giới ngày càng chia rẽ, đầy thách thức nhưng vẫn tràn đầy hy vọng nếu cộng đồng quốc tế có thể chung tay góp sức, cùng hành động.

Các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, tiến độ thực hiện Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), an ninh mạng đòi hỏi các nước cùng hợp tác, đối thoại để hướng tới tương lai.

Phiên thảo luận chung trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ khóa 77 đã khai mạc. Ảnh: Getty
Phiên thảo luận chung trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ khóa 77 đã khai mạc. Ảnh: Getty

Ông Guterres cũng tuyên bố khởi động một Gói kích thích cho SDGs do nhóm 20 nước phát triển (G20) và mới nổi hàng đầu thế giới, dẫn đầu nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, đồng thời, kêu gọi các nước thực hiện các sáng kiến trong Báo cáo Chương trình nghị sự chung. 

Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77 Csaba Korosi nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp thông qua đoàn kết, bền vững và khoa học. Ông cũng cho biết sẽ tích cực thúc đẩy các cuộc họp lớn của LHQ dự kiến diễn ra trong thời gian tới như Hội nghị thượng đỉnh SDGs 2023, Hội nghị về nước của LHQ vào năm 2023 và Thượng đỉnh Tương lai vào năm 2024.

Vấn đề giải quyết khủng hoảng lương thực và nạn đói cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Tuần lễ Cấp cao lần này. Hiện đã có hơn 200 Tổ chức phi chính phủ (NGOs) kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại kỳ họp ĐHĐ LHQ lần này nỗ lực ngăn chặn nạn đói trên khắp thế giới bởi số liệu báo cáo cho thấy khoảng 50 triệu người ở 45 nước có nguy cơ rơi vào nạn đói; và có gần 20.000 người chết đói mỗi ngày.

Khủng hoảng Ukraine phủ bóng bàn nghị sự

Trong số tất cả các cuộc khủng hoảng toàn cầu, chiến sự tại Ukraine chiếm sự quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự, được coi là vấn đề buộc các nguyên thủ quốc gia phải nhìn nhận thẳng thắn nhằm giải quyết tình trạng bạo lực xung đột, hỗn loạn trong chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao và các dư chấn khác. 

Trước bối cảnh đó, cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay được coi như cơ hội tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này.

Sự kiện năm nay vắng bóng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mặt khác, ít nhất hai vị tổng thống, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Emmanuel Macron của Pháp trong phát biểu tại Đại hội đồng tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của những “sứ giả hòa bình” trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Erdogan mới gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Uzbekistan vào tuần trước và kêu gọi Moscow trao trả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine. Ông Erdogan cũng đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc vừa qua giữa Ukraine và Nga. Đối với lãnh đạo LHQ, cuộc xung đột cũng nâng cao vai trò hòa giải nhân đạo. Ông Gutteres từng lên án Nga vi phạm hiến chương Liên hợp quốc và kêu gọi điều tra về những tội ác tiềm tàng ở Ukraine. 

Tuy nhiên, một số quốc gia nhỏ hơn cũng cho rằng, trọng tâm vào cuộc chiến đã thu hút sự chú ý của toàn cầu khỏi các cuộc khủng hoảng mà họ phải đối mặt, bao gồm biến đổi khí hậu, thiếu lương thực và xung đột nội bộ.