Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77
Nhiều nhiệm vụ cấp bách với một thế giới bị phân mảnh
Người đứng đầu Liên Hợp quốc (LHQ) nói rằng các nhà lãnh đạo quốc gia trong lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau 3 năm cần giải quyết các xung đột và thảm họa khí hậu, gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng, đồng thời giải quyết sự chia rẽ giữa các cường quốc lớn đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Ông Guterres cũng chỉ ra thực trạng "các nước đang phát triển thiếu khả năng tiếp cận tài chính để phục hồi hậu Covid-19", đối mặt với "cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong cả một thế hệ" đã khiến nền giáo dục, y tế và quyền của phụ nữ bị mất đi. Trong một báo cáo hồi đầu tháng này, Chương trình Phát triển LHQ cho biết, đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi bước tiến của nhân loại thêm 5 năm.
Tại cuộc họp hôm 19/9 nhằm thúc đẩy các mục tiêu của LHQ cho năm 2030 - bao gồm chấm dứt nghèo đói cùng cực, đảm bảo chất lượng giáo dục cho tất cả trẻ em và đạt được bình đẳng giới - ông Guterres thừa nhận nhiều nguy cơ cấp bách trên thế giới khiến các nước muốn đặt các ưu tiên phát triển dài hạn sang một bên.
Tuy nhiên, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng một số điều không thể chờ đợi hơn nữa, trong đó có giáo dục, việc làm, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái, cũng như chăm sóc sức khỏe toàn diện và hành động để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ông kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các nguồn đầu tư và tài chính công cũng như tư nhân, và trên hết là vì mục tiêu hòa bình.
Tổng thư ký LHQ dự kiến sẽ có bài phát biểu về "tình trạng của thế giới" mở màn phiên thảo luận ngày 20/9 tại New York, Mỹ (ngày 21/9 theo giờ Việt Nam). Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết đây sẽ là "một báo cáo thực chất và tập trung vào các giải pháp" cho một thế giới đang đối mặt nhiều nguy cơ từ sự phân chia địa chính trị.
Cuộc họp Đại hội đồng lần khóa 77 của các nhà lãnh đạo thế giới được tổ chức dưới bóng đen của cuộc chiến lớn đầu tiên của châu Âu kể từ Thế chiến II - xung đột giữa Nga và Ukraine - mở ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và làm lớn thêm những rạn nứt giữa các cường quốc theo cách chưa từng thấy kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, gần 150 nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã đăng ký các bài phát biểu tại phiên họp lần này. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy bất chấp tình trạng phân mảnh của thế giới, LHQ vẫn là nơi tập hợp quan trọng để các nhà lãnh đạo quốc gia không chỉ đưa ra quan điểm của họ, mà còn là diễn đàn gặp gỡ riêng để tích cực thảo luận về những thách thức trong chương trình nghị sự toàn cầu, với hy vọng đạt được một số tiến bộ nhất định.
Các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia đang cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, và khôi phục hòa bình ở châu Âu. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao không mong đợi bất kỳ đột phá nào trong tuần này.
Việc mất nguồn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón quan trọng từ Ukraine và Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cũng là một phần nguyên nhân khiến lạm phát cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao ở nhiều nước. Những vấn đề này sẽ được tập trung thảo luận cao trong chương trình nghị sự lần này.
Một trong những nhà lãnh đạo đáng chú ý sẽ phát biểu vào ngày 20/9 là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người đã khẳng định vị thế là nhà môi giới thành công giữa Nga và Ukraine, bao gồm việc thông qua một thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc cấp thiết đối với toàn cầu vừa qua. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đang trên đường trở về từ tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, do đó bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải lùi sang ngày 21/9.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kinhtedothi - Ngày 24/7, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phái đoàn thường trực Việt Nam ở New York.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
Chiều 21/9, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Tổng thư ký Liên hợp quốc sắp gặp Tổng thống Putin tại Nga
Kinhtedothi - Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres sẽ thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine bước sang giai đoạn mới.