Tổ chức tín dụng của 190 quốc gia ngày 2/8 cho biết, Hội đồng quản trị IMF đã phê duyệt việc mở rộng quỹ dự trữ, được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) với mức tăng lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói: "Đây là một quyết định lịch sử... và là một cú hích mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu tại thời điểm khủng hoảng chưa từng có. Nó sẽ đặc biệt giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất của chúng ta đang phải vật lộn để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19".
Việc phân bổ các SDR sẽ có hiệu lực vào ngày 23/8 tới, hình thức tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không nhất thiết phải chi tiêu, nghĩa là các nước này sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc có thể thanh lý chúng.
Theo IMF, khoảng 275 tỷ USD trong khoản phân bổ mới sẽ được chuyển đến các nước nghèo hơn trên thế giới. Cơ quan này cũng đang tìm cách để các nước giàu hơn có thể tự nguyện chuyển các SDR cho những nước nghèo hơn.
Trong đó, một lựa chọn được đề xuất là các nước thành viên mạnh mẽ hơn tự nguyện chuyển một phần SDR của họ để mở rộng quy mô cho vay đối với các nước thu nhập thấp thông qua Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo (PRGT) của IMF. Tuyên bố hôm 2/8 của bà Georgieva lưu ý rằng, hỗ trợ ưu đãi thông qua PRGT hiện không tính lãi.
SDR ra đời năm 1969, được coi là loại tiền tệ quy ước của IMF sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau. IMF đã sử dụng SDR làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của thể chế tài chính này.
SDR có thể được quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong số 5 đồng tiền gồm USD, euro, yen, bảng Anh và nhân dân tệ, nhằm đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.
Việc phân bổ SDR rất hiếm khi được thực hiện, và lần gần đây nhất là tương đương 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009. Vào đầu cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, IMF đã đề xuất phân bổ nhiều SDR hơn để các quốc gia có thể bán lấy tiền mặt.
Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp quốc (LHQ) và nhiều chính phủ trên toàn thế giới lúc đó đã ủng hộ lời kêu gọi này, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phủ quyết. Với tư cách là cổ đông lớn nhất của IMF, Mỹ có khả năng ngăn chặn một động thái như vậy.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã ủng hộ đề xuất tăng SDR, bất chấp việc nhiều thành viên đảng Cộng hòa của Quốc hội vẫn phản đối do lo ngại việc mở rộng nguồn lực IMF sẽ mang lại lợi ích cho các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc và Iran.