IMF tăng thêm khả năng cho vay trong khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang thúc đẩy vai trò mới của Quỹ trong tiến trình giúp các nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu

KTĐT - Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang thúc đẩy vai trò mới của Quỹ trong tiến trình giúp các nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu; theo đó tăng cường vị thế của Quỹ như là thể chế tín dụng quốc tế quan trọng nhất cho vay bằng đồng USD, euro và các ngoại tệ mạnh khác trong thời gian khủng hoảng.

IMF cũng đặc biệt chia sẻ với Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về vai trò thể chế tín dụng cuối cùng mà các nước cần tìm đến trong các tình huống khẩn cấp.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G-20) đã ủng hộ tích cực vai trò mới này của IMF. Trong vai trò mới này, IMF sẽ cung cấp các trao đổi ngoại hối ngắn hạn cho ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển để giúp xử lý các cơn sốc tài chính khiến các nước này thiếu ngoại tệ mạnh.

Biện pháp này sẽ làm giảm sức ép chính trị khiến các ngân hàng trung ương phải trao đổi tiền tệ với nhiều nước; đồng thời thuyết phục người đi vay không cần tích lũy quá nhiều ngoại tệ để đảm bảo an toàn tiền tệ trong thời gian khủng hoảng.

Thực tế cho thấy việc tích trữ như vậy đã làm biến dạng thị trường tài sản, gây hại cho không chỉ kinh tế trong nước mà còn cho cả các nền kinh tế khác của khu vực và toàn cầu.

Các nhà kinh tế quốc tế cho rằng nếu vai trò mới này được chấp thuận, IMF phải nỗ lực tìm thêm các nguồn tài chính mới để cho vay. Khác với các ngân hàng trung ương các nước, IMF không thể in và phát hành tiền tệ nên chỉ có thể tìm kiếm các nguồn tài chính mới thông qua các thỏa thuận vay các nước thành viên có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn hoặc tăng lệ phí thành viên.

Trong những năm gần đây, IMF đã phê chuẩn các chương trình tín dụng mới để cung cấp nguồn ngoại tệ vượt mức bình thường để cứu các nước có nguy cơ vỡ nợ.

Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng các dàn xếp tín dụng như vậy, IMF cần vượt qua các thách thức chính trị và kinh tế; theo đó, để sửa đổi quy chế, tổ chức này phải có 85% các nước thành viên ủng hộ./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần