Ít ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của thân trụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) - Bộ GTVT vừa có Công văn số 613/TEDI-CLH gửi Sở GTVT Hà Nội về việc xác định nguyên nhân và hướng xử lý vết nứt tại trụ T22 (còn gọi là H22) cầu Vĩnh Tuy.

Công văn nêu rõ, Tedi là đơn vị ký hợp đồng với Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn (chủ đầu tư) thực hiện công tác khảo sát, thiết kế và giám sát công trình cầu Vĩnh Tuy. Đơn vị tư vấn, giám sát thi công cầu là Viện Khoa học Công nghệ GTVT.

Tại văn bản này, Tedi cho rằng, qua kiểm tra hiện trường các trụ cầu từ T18 - T21 không có hiện tượng nứt bê tông theo phương dọc, ngang. Riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc có thể quan sát bằng mắt thường với chiều rộng từ 0,5 - 2mm, dài 10m. Vết nứt xuất hiện từ tháng 3/2010 và mở rộng dần nhưng từ năm 2012 đến nay, vết nứt không rộng thêm. Đặc điểm của vết nứt không phản ánh kết cấu bị hư hỏng do điều kiện làm việc của kết cấu; vị trí và đặc điểm của vết nứt trụ T22 ít ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của thân trụ trong điều kiện cốt thép ở vị trí vết nứt không bị hư hỏng. Vì vậy, vết nứt trên thân trụ T22 không phải do điều kiện chịu lực mà khả năng trong quá trình thi công do ảnh hưởng bất lợi của một hay tổ hợp những yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ môi trường xung quanh, độ sụt lựa chọn…

Hướng khắc phục được Tedi đề xuất là bơm keo trám kín khe nứt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của môi trường tới lớp cốt thép chịu lực, nhất là đối với vị trí chịu ảnh hưởng do mực nước thay đổi. Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, Sở GTVT có thể thuê một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá mức độ ảnh hưởng của vết nứt và đề xuất phương án xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần