JPMorgan cảnh báo giá dầu có thể vọt 380 USD nếu Nga dừng xuất khẩu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng JPMorgan cảnh báo giá dầu thế giới có thể thiết lập mức giá “trên trời” 380 USD/thùng nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn tới việc Nga trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng.

Ngân hàng JPMorgan cảnh báo giá dầu có thể vọt 380 USD nếu Nga dừng xuất khẩu. Ảnh: AP
Ngân hàng JPMorgan cảnh báo giá dầu có thể vọt 380 USD nếu Nga dừng xuất khẩu. Ảnh: AP

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa nhất trí xem xét kế hoạch áp đặt giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga nhằm nỗ lực siết chặt nguồn thu của Tổng thống Vladimir Putin.

Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin, các chuyên gia của ngân hàng JPMorgan nhận định rằng với nền tảng tài chính vững chắc, Nga có đủ khả năng cắt giảm từ sản lượng dầu thô 5 triệu thùng/ngày đang cung ứng mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, với đa số phần còn lại của thế giới, hệ quả có thể rất thảm khốc. Theo nghiên cứu của ngân hàng JPMorgan, nếu Nga cắt giảm 3 triệu thùng mỗi ngày ngày sẽ đẩy giá dầu Brent lên mức 190 USD/ thùng. Với kịch bản xấu nhất, nếu Nga dừng bơm ra thị trường toàn cầu 5 triệu thùng/ngày, thì giá “vàng đen” có thể thiết lập mức giá sốc 380 USD/thùng.

Các nhà phân tích JPMorgan cho rằng rủi ro rõ ràng nhất và có khả năng xảy ra với giá dầu là Nga có thể chọn trả đũa bằng cách giảm xuất khẩu. "Nhiều khả năng chính phủ có thể trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng như một cách gây đau đớn cho phương Tây. Sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ toàn cầu là phụ thuộc vào phía Nga" - nghiên cứu của ngân hàng JPMorgan cho biết.

Vấn đề áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga đã được đưa ra trong tuyên bố chung khi lãnh đạo nhóm G7 kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ở Schlos Elmau, Đức trong tuần này. Các nước trong nhóm hiện đang vạch ra các biện pháp chi tiết để thực hiện kế hoạch.

Trong một động thái leo thang cuộc chiến tranh kinh tế với phương Tây và đồng minh, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký một sắc lệnh giành quyền kiểm soát toàn bộ dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga. Động thái này có thể loại bỏ hãng Shell và các nhà đầu tư Nhật Bản khỏi dự án.

Theo tin từ Reuters, sắc lệnh được người đứng đầu Điện Kremlin ký ngày 30/6 vừa qua quyết định thành lập một công ty mới để tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment Co. – công ty trong đó Shell và hai công ty giao dịch của Nhật Bản là Mitsui và Mitsubishi nắm cổ phần dưới 50%.

Sắc lệnh dài 5 trang nói rằng việc các đối tác nước ngoài có tiếp tục được ở lại trong Sakhalin-2 hay không sẽ do Chính phủ Nga quyết định. Đây được xem là một sự đáp trả của Moscow đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt mà Mỹ và các đồng minh áp lên Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom nắm cổ phần 50% cộng thêm một cổ phiếu trong dự án Sakhalin-2. Dự án này chiếm khoảng 4% sản lượng khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần