Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở tại Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016 - 2020).

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở tại Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014; đồng thời, kiểm soát công tác phát triển nhà ở năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020).

Cụ thể, năm 2015 Hà Nội sẽ phát triển thêm 811.936m2 sàn nhà ở xã hội; 95.429m2 sàn nhà ở cho công nhân thuê; 59.971m2 sàn nhà ở sinh viên; 221.100m2 sàn nhà ở tái định cư và 2.420.200m2 sàn nhà ở thương mại.

Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ phát triển thêm 4.676.330m2 sàn nhà ở xã hội (trong đó từ năm 2016 đến năm 2019, mỗi năm 950.000m2, riêng năm 2020 là 876.330m2); 567.539m2 sàn nhà ở cho công nhân thuê (trong đó từ năm 2016 đến năm 2019, mỗi năm là 110.000 m2, riêng năm 2020 là 127.539 m2); 976.992 m2 sàn nhà ở sinh viên; 1.200.000 m2 sàn nhà ở tái định cư và 20.418.000 m2 sàn nhà ở thương mại.

 
Năm 2015 Hà Nội sẽ phát triển thêm 811.936m2 sàn nhà ở xã hội.
Năm 2015 Hà Nội sẽ phát triển thêm 811.936m2 sàn nhà ở xã hội.
UBND TP Hà Nội cũng cho hay đang chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng phục vụ giãn 1.530 hộ (giai đoạn 1) tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên theo Đề án giãn dân phố cổ xây dựng quận Hoàn Kiếm, đồng thời cải tạo và xây dựng lại các chung cư cũ, nhà cũ đã xuống cấp.

UBND TP yêu cầu cần bám sát nội dung Chương trình phát triển nhà ở TP, nhu cầu thực tế về nhà ở, nguồn ngân sách, tình hình hàng tồn kho, nhu cầu của thị trường để tổ chức thực hiện Kế hoạch. Các dự án phát triển nhà ở trước khi triển khai phải được xem xét, đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của TP. 

Các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã được giao nhiệm vụ phải nghiêm túc tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch. 

Các chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Kế hoạch này và quy định của pháp luật hiện hành, tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình thuộc dự án.

Về nguồn vốn thực hiện, gồm vốn ngân sách TP đầu tư một phần diện tích nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở tái định cư, một phần diện tích nhà ở sinh viên, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn. TP sẽ thu hồi vốn đầu tư nhà ở tái định cư sau khi bán nhà. Thứ hai, vốn huy động ngoài xã hội (ngoài ngân sách) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở học sinh, sinh viên, nhà ở thương mại, cải tạo chung cư cũ, giãn dân phố cổ. Các chủ đầu tư sử dụng vốn tự có, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác.

Trường hợp chủ đầu tư là cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề công lập đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên tại khuôn viên các trường hoặc dự án riêng bằng nguồn vốn của nhà trường hoặc Bộ chủ quản thì sử dụng nguồn vốn do Bộ chủ quản quyết định.

Về quy hoạch: Đẩy nhanh công tác tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; công khai các đồ án về quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt và quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc; cân đối nhu cầu nhà ở xã hội tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo phân bố hợp lý trên địa bàn TP theo quy hoạch; khẩn trương rà soát quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong nội thành và quy hoạch các trường di dời ra ngoại thành, đồng thời, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (hoặc 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở học sinh sinh viên, nhà ở tái định cư đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển.

Về đất đai: Rà soát, tổng hợp quỹ đất 20% (hoặc quỹ đất 25%) trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, đề xuất bố trí thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở sinh viên, tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân bổ đất xây dựng thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.

Về nguồn lực: Dành nguồn lực hợp lý của TP, Trung ương đầu tư phát triển nhà ở tái định cư, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân thuê và hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn. Kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở học sinh, sinh viên, nhà ở công nhân thuê.

Theo số liệu khảo sát, thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng 165.300.000 m2 nhà ở, diện tích bình quân đầu người đạt khoảng 22,7 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 26,4 m2/người, khu vực nông thôn đạt 19,1 m2/người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần