Kết cục không thể khác

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ba năm, vụ việc bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ và vụ việc 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ đều đi đến hồi kết.

Việc những người bị bắt rồi sẽ được thả tự do để về nước là kết cục thực ra ai cũng có thể biết trước ngay từ đầu bởi bản chất chính trị của vụ việc và bởi đấy đều không phải là chuyện song phương giữa Canada và Trung Quốc mà là chuyện quan hệ tay ba giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada. Cũng còn có thể diễn giải theo cách khác rằng, phía Canada đã tự dấn thân vào cuộc chơi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ và Canada đề cập đến khái niệm về hình thức "ngoại giao con tin" trong khi Trung Quốc không như thế. Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada vốn đã không được yên ổn nên cả Mỹ và Canada đều có ý định dùng việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Ngoài ra, Canada còn dùng việc này để tranh thủ Mỹ. Động thái đáp trả của Trung Quốc - bắt giữ công dân Canada ngay sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và đưa những người này ra xét xử với cáo buộc hoạt động gián điệp khi phía Canada nghiêng về quyết định dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ - cho thấy hai chuyện bắt giữ ở hai nơi liên quan trực tiếp với nhau và có tác động nhân quả. Cho nên ngay từ thời điểm ấy đã có thể thấy nếu phía Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ sẽ không thể giải cứu được công dân của họ thoát khỏi vòng lao lý ở Trung Quốc. Trung Quốc buộc Canada phải lựa chọn giữa tranh thủ Mỹ và số phận của công dân Canada cũng như buộc Mỹ phải lựa chọn giữa gây khó cho Trung Quốc và Canada phải trả giá rất đắt. Từ đó có thể thấy trong chuyện này Trung Quốc được nhiều hơn mất còn Mỹ và Canada thì ngược lại. Thỏa thuận kín giữa bà Mạnh Vãn Chu và Bộ Tư pháp Mỹ chỉ là cách giúp phía Mỹ tránh bị tổn hại thể diện và bị coi là yếu thế ở chuyện này mà thôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần