Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

rnThông qua chương trình kết nối, các DN đã tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp từ ngân hàng (NH), qua đó tạo điều kiện cho DN giảm bớt những khó khăn về vốn, ở chiều ngược lại hoạt động này giúp NH tăng trưởng tín dụng.

Với xu thế hội nhập hiện nay, mối quan hệ này lại càng trở nên quan trọng và cần thiết.
4.200 doanh nghiệp vay 85.000 tỷ đồng lãi suất thấp
Báo cáo của NH Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho thấy, từ năm 2014 đến nay, các NH, tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối NH - DN, qua đó cơ hội cho DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất cho vay của chương trình kết nối NH - DN luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm. Năm 2016, lãi suất phổ biến từ 6 - 7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8 - 9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, một số DN xếp hạng tín nhiệm cao, báo cáo tài chính minh bạch khi vay vốn còn được hưởng lãi suất ưu đãi 4 - 4,5%/năm.
Thông qua hoạt động cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi đã góp phần tăng trưởng tín dụng, tính đến hết tháng 5/2016, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay đầu tư) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 1.300.948 tỷ đồng, tăng 5,12% so với năm 2015. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 973.692 tỷ đồng, chiếm 74,84% và tăng 4,58%, dư nợ ngắn hạn tăng 1,59%, dư nợ trung dài hạn tăng 7,04% so với cuối năm 2015. Đặc biệt từ đầu năm đến nay các NH đã giải ngân 85.000 tỷ đồng cho gần 4.200 lượt DN, tăng 2,4% so với cuối năm 2015.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP Quốc dân. Ảnh: Công Hùng

Là một trong các NH tham gia tích cực chương trình kết nối NH - DN, từ năm 2014 đến doanh số giải ngân của VietinBank đã đạt trên 43.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 20.000 tỷ đồng cho hơn 400 lượt khách hàng DN vay vốn. Theo ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank: Đây là chương trình rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao đối với cả NH và DN nhất là chất lượng tín dụng tốt, không phát sinh nợ xấu, nợ có vấn đề.
Đánh giá cao sự hiệu quả của chương trình kết nối NH - DN, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết: Chương trình đã mở ra cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho DN tiếp cận vốn NH lãi suất thấp, qua đó hỗ trợ DN giảm chi phí, từ đó tạo điều kiện cho DN duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô và đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục lan tỏa
Mặc dù ngành NH đã đẩy mạnh việc kết nối với DN, qua đó tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, tuy nhiên nhiều DN phản ánh: Theo quy định, DN vay vốn ngắn hạn hay trung và dài hạn thì NH sẽ áp mức lãi suất thích hợp. Quy định là vậy nhưng các chi nhánh tổ chức tín dụng lại không được tự quyết định lãi suất cho vay mà phải báo cáo hội sở, điều này khiến thời gian giải quyết thủ tục cho vay kéo dài. Ngoài ra, một số DN mặc dù có phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng không đáp ứng điều kiện vay (tài sản thế chấp) nên khó tiếp cận nguồn vốn vay nhất là vay tín chấp. Ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch Hội dệt may Hà Nội phân tích: Ngành dệt may phần lớn là các DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính có hạn, trước áp lực ngày càng cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam hội nhập quốc tế, DN phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phương thức kinh doanh nên rất cần vốn vay từ NH. Do đó, các NH không nên quá e dè trong việc áp dụng phương thức vay tín chấp, thế chấp bằng dòng tiền, từ nguồn thu… của chính DN.
Nhằm khắc phục những bất cập này, ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết: Thời gian tới, NH Nhà nước phối hợp với Sở Công Thương, các hiệp hội DN, UBND các quận, huyện rà soát danh sách DN trên địa bàn. Qua đó xác định DN nào có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện sẽ được giải quyết cho vay, đảm bảo thời gian tới không còn tình trạng DN đủ điều kiện vay mà không vay được. Đồng thời xem xét điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các DN có phương án sản xuất, kinh doanh tốt nhưng không có tài sản thế chấp sẽ cho vay theo 2 hướng: Cho vay tín chấp hoặc cho vay qua hình thức thế chấp bằng các dòng tiền. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn trung dài hạn cho vay và ổn định lãi suất các kỳ hạn các NH còn đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn, giải quyết nợ xấu.
Để hỗ trợ DN có điều kiện tiếp cận các khoản vay tín dụng ưu đãi, tháng 6/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng đã ký kết Quy chế phối hợp về hỗ trợ DN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong đó, UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các DN thông qua các hình thức như: Bảo lãnh vay vốn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai, mặt bằng xây dựng, giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… qua đó, DN có tài sản thế chấp vay vốn NH. Về phía NH sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng tham gia chương trình kết nối NH - DN, tiếp cận DN có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, mở rộng chương trình đến nhiều đối tượng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô hoạt động nhỏ. Đặc biệt ưu tiên tập trung tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao…
Chương trình kết nối NH - DN đã giúp DN tiếp cận vốn NH với lãi suất hợp lý để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời mở ra cơ chế thông thoáng, thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng và khách hàng. Điều đó cho thấy chương trình kết nối NH - DN đã tạo ra lợi ích cho cả hai phía NH và DN.