Doanh nghiệp vẫn khát vốn
Là một trong những DN thực hiện chương trình bình ổn giá (BOG) theo chủ trương của UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương, đại diện Công ty CP Nhất Nam (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) phản ánh, những năm qua, nhiều mặt hàng BOG lên xuống, biến động giá rất mạnh. Theo quy định, DN tham gia chương trình phải có đủ lượng hàng cung ứng ra thị trường và giá cả phải thấp hơn thị trường từ 5 - 10%. DN đã tiếp cận được vốn NH với lãi suất 6%. Tuy nhiên, DN kiến nghị các NH kéo dài thời hạn cho vay kinh doanh do yêu cầu của công tác BOG thường kéo dài. Việc vay vốn với thời hạn ngắn khiến DN không đảm bảo được hoạt động. Ngoài ra, năm nay, chương trình BOG không dùng nguồn ngân sách mà dùng vốn của DN, do đó, để thực hiện chương trình, hệ thống Fivimart rất cần vốn lưu động khoảng 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DN mong muốn được vay vốn để mở rộng hệ thống. "Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các NH chung tay hỗ trợ” - Phó Tổng Giám đốc Vũ Thị Hậu bày tỏ.
Còn theo ông Đào Đức Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (huyện Đông Anh) - DN chuyên sản xuất thiết bị điện công nghiệp cơ cấu thép, Công ty là DN vừa sản xuất, vừa nghiên cứu ứng dụng khoa học mới đã được Sở KH&CN TP giao chủ trì 3 đề tài, đến nay đã thành công. Khi cụ thể hóa những đề tài này thành các dự án thì mỗi dự án cần máy móc thiết bị dự kiến 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn này đang khó khăn, dù DN có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm nhưng lại không được thế chấp đất đó để vay vốn NH. "Chúng tôi kiến nghị có cơ chế thuận lợi không chỉ thế chấp tài sản mà qua hình thức nào đó như đánh giá mức độ khả thi của dự án, cho vay theo hướng tín chấp, thế chấp bằng dòng tiền, từ nguồn thu và có thời hạn nào đó” - ông Thuận đề xuất.
Đánh giá về vay tín chấp, bà Tạ Thị Bích Lộc - đại diện Công ty Mỹ Anh Hòa (ngành may mặc) bộc bạch, dù đã có chỉ đạo của NHNN tăng cường cho vay tín chấp song để vay được, DN cần phải chứng minh kiểm soát dòng tiền, chứng minh như thế nào lại là một bài toán khó. Nhất là khi nhiều DN nhỏ trong ngành dệt may đang phải chịu khó khăn do đối tác xuất khẩu giảm giá, đơn hàng giảm trong khi các chi phí chính thức và không chính thức như chi phí vận tải, phí công đoàn, thuế, tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội đang là gánh nặng với nhiều DN…
Rà soát các doanh nghiệp chưa tiếp cận vốn
Tai Hội nghị, các NH cũng đưa ra một số gợi ý với DN. Phó Tổng Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Quách Phùng Hiệp chia sẻ, với những DN cũ vẫn được BIDV tiếp tục giải ngân theo hạn mức được xét của DN, nếu khách hàng không có nợ xấu. Với góc độ NH, phải nhìn trên tổng thể các yếu tố về nhu cầu thị trường, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, đối thủ và khả năng cạnh tranh, vốn tự có, dòng tiền, kịch bản dự phòng… để đánh giá, xem xét khi cấp tín dụng, đảm bảo thu hồi được nợ và rủi ro xảy ra là tối thiểu. Vì vậy, việc chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng.
Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh cho biết, các NH đang cần DN hơn bao giờ hết. NH đang tìm khách hàng để cho vay thì không có lý do gì để từ chối các khách hàng có đủ điều kiện. Ngoài việc cho vay thế chấp bằng bất động sản, các NH cũng mở rộng cho vay bảo đảm bằng động sản: Máy móc thiết bị, hàng hóa… để đẩy vốn tín dụng ra thị trường. Tuy nhiên, đâu đó còn vướng cơ chế nên rất cần DN chia sẻ. Bên cạnh việc cho vay phải đảm bảo thu hồi vốn và nhiều cơ chế chính sách không chỉ vướng ở nội tại NH mà ở cả cơ chế. Vướng mắc lớn nhất của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) là chưa tiếp cận nhiều những thông tin liên quan đến tình hình tài chính và kinh doanh của DN như thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo thuế, các giao dịch hải quan… Chính vì chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để tham chiếu, nhất là với DN nhỏ và vừa, nên các TCTD gặp không ít khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ để cấp tín dụng.
Đưa ra các giải pháp cụ thể, ông Vinh kiến nghị, TP Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, liên quan, các quận, huyện, thị xã phối hợp với NHNN Chi nhánh TP Hà Nội đẩy mạnh thực hiện kế hoạch kết nối NH - DN, hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn như khảo sát thực tế, theo dõi và nắm bắt thông tin, phản ánh đúng tình hình các DN có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, thông tin cho các TCTD danh sách các DN thỏa mãn đúng tiêu chí, giới thiệu các dự án, phương án hiệu quả.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến nhìn nhận, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là Nhà nước và các hiệp hội hỗ trợ DN tăng năng lực quản trị, giúp DN quản trị tốt và minh bạch hơn. Đồng thời, phía NH cần có đủ công cụ, năng lực để đánh giá hoạt động kinh doanh của DN, sớm áp dụng tiêu chuẩn quản lý nợ nhằm tăng cường quản lý rủi ro. Lúc đó, NH sẽ mạnh dạn hơn trong cho vay tín chấp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thời gian tới, TP sẽ chỉ đạo các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Sở KH&ĐT là đầu mối tiếp nhận những khó khăn của DN như bảo lãnh vay vốn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai…, qua đó giúp DN và NH đến gần nhau hơn.
Chủ động phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND TP Hà Nội và NHNN về hỗ trợ DN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Theo đó, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội tham mưu UBND TP triển khai có hiệu quả các chương trình như kết nối NH - DN, bình ổn thị trường, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời, làm đầu mối khuyến khích, vận động, tổng hợp danh sách các tổ chức tín dụng cam kết tham gia chương trình tín dụng hỗ trợ DN với các gói tín dụng cụ thể. Tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp, định kỳ và các buổi ký hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể giữa các tổ chức tín dụng và các DN trên địa bàn. Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, để hỗ trợ DN dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý… TP giao Sở KH&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp NHNN Chi nhánh TP Hà Nội và sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện chỉ thị, gắn với các chương trình, chính sách hỗ trợ DN của TP… (Bảo Quyên) Sẽ “bơm” thêm 170.000 tỷ đồng 3 năm qua, các NH, TCTD trên địa bàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối NH – DN, đến 31/8, dư nợ theo chương trình đạt 170.068 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6 - 7%/năm, trung - dài hạn 8 - 9%/năm. Riêng từ đầu năm đến nay, các NH cam kết cho vay theo chương trình kết nối NH - DN 125.641 tỷ đồng. Trong 3 tháng cuối năm, các NH tập trung giải ngân số vốn đã cam kết cho vay. Đồng thời, các TCTD cũng đăng ký dành nguồn vốn tín dụng 150.000 tỷ đồng cho chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn TP năm 2017. |