Kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Hà Nội đã xây dựng thành công mạng lưới tiêu thụ nông sản, tăng gắn kết nông dân với DN, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thích ứng diễn biến nhu cầu thị trường

Với diện tích hơn 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi tháng Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) thu hoạch khoảng 60 tấn rau an toàn, cung ứng theo chuỗi liên kết với các DN, bếp ăn tập thể, bệnh viện...

Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám chia sẻ: “Tham gia chương trình chuyển đổi số do Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai, đến nay, hợp tác xã đã số hóa được 15 sản phẩm rau. Đầu năm 2022, chúng tôi đã ký kết hợp tác liên kết với hai sàn thương mại điện tử Kinhteec và Cadosa giúp đơn vị mở rộng đầu ra cho tiêu thụ rau, củ, quả. Qua đó, thành viên hợp tác xã thêm yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất”.

Sản phẩm nông nghiệp an toàn Hà Nội được trưng bày, kết nối tiêu thụ tại một triển lãm. Ảnh: Ánh Ngọc
Sản phẩm nông nghiệp an toàn Hà Nội được trưng bày, kết nối tiêu thụ tại một triển lãm. Ảnh: Ánh Ngọc

Được thành lập từ năm 2017 với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội hiện nay, chuỗi thực phẩm sạch Organic Green đang có các sản phẩm thịt gà, thịt lợn, thịt vịt và sản phẩm chế biến từ thịt lợn (xúc xích, chân giò xông khói, giò, chả). Hiện, trung bình mỗi tháng chuỗi cung ứng ra thị trường 150 tấn thành phẩm lợn, gà, vịt và các sản phẩm chế biến.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết, sản phẩm của chuỗi đang được bán qua các kênh như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch, sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối trực tuyến.

Nhận định việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho rằng: “Liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu, hạn chế tổn thất cho nông dân. Đồng thời góp phần hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các nhà phân phối lựa chọn sản phẩm có chất lượng, ưu thế cạnh tranh”.

Hiệu quả thực tế đã chứng minh, từ việc đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu những mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội qua các kênh phân phối như Central Group, Aeon, Lotte..., lượng nông sản an toàn được tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực

Mặc dù ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi nhưng thực tế vẫn có không ít chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn

. Để các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Đỗ Huy Chiến đề xuất TP và các địa phương tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với DN…

Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc và đã có hơn 1.600 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Với mục tiêu nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của TP. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, Sở sẽ tập trung rà soát các DN, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời tham mưu cho TP có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến.

Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn cho chủ thể tham gia liên kết chuỗi nâng cao nghiệp vụ; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

 

"Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử." - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo