Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khả năng ông Putin kích hoạt vũ khí hạt nhân cao thế nào?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo giới quan sát, quyết định đưa các đơn vị vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu của Tổng thống Nga vừa qua mang tính răn đe nhiều hơn thực tiễn.

Tổng thống Nga hôm 27/2 đã triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov dự một cuộc họp và ra lệnh cho họ "chuyển các lực lượng ngăn chặn", bao gồm các đơn vị vũ khí hạt nhân - vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt. 

Giải nghĩa tuyên bố của ông Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Pavel Podvig, một chuyên gia hàng đầu về lực lượng hạt nhân Nga, đăng trên Twitter rằng mệnh lệnh mới của Tổng thống Putin rất có thể có nghĩa là "hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân nhận được mệnh lệnh sơ bộ". Mệnh lệnh này sẽ kích hoạt hệ thống vào trạng thái chuẩn bị, để sẵn sàng thực hiện "lệnh phóng" khi nó được ban ra.

Lệnh này cũng cho phép các vũ khí hạt nhân được phóng "nếu Tổng thống bị uy hiếp hoặc không thể liên lạc được", nhưng thêm rằng nó chỉ áp dụng trong trường hợp "phát hiện có vụ nổ hạt nhân thực sự trên lãnh thổ Nga", theo Podvig.

David Cullen, thuộc Cơ quan Thông tin Hạt nhân Anh cho biết, quyết định này  “tương tự như hệ thống của Anh”, nơi các chỉ huy của tàu ngầm hạt nhân Trident được trao cho những lá thư cuối cùng, có chữ ký của Thủ tướng, hướng dẫn về cách hành động một khi Anh bị tấn công hạt nhân tổng lực.

Cả Podvig và các chuyên gia khác, chẳng hạn như James Acton, chuyên gia hạt nhân của Carnegie Endowment, cho biết mệnh lệnh của ông Putin cũng có thể bao gồm việc điều thêm các tàu ngầm vũ trang hạt nhân ra biển hoặc bố trí các tên lửa hạt nhân tầm xa xung quanh lãnh thổ Nga, từ đó về mặt lý thuyết, chúng có thể được sử dụng. Nhưng không thể chắc chắn, chuyên gia Podvig nói thêm, do cách diễn đạt của ông Putin “cố tình mơ hồ”.

Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, cho biết Vương quốc Anh không công nhận các thuật ngữ mà ông Putin sử dụng. Theo Wallace, động thái này nhằm hù dọa phương Tây và “nhắc nhở thế giới rằng ông ta còn có biện pháp răn đe”.  Đó là một sự đánh lạc hướng để bớt tập trung vào “chiến sự chưa thành công” của Nga tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cảnh báo về lý thuyết, Nga có thể sử dụng cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc chiến chống Ukraine. Nhưng điều này sẽ dẫn đến một sự leo thang lớn - và rất khó xảy ra. “Chúng có thể mạnh ngang với những quả bom ở Hiroshima và Nagasaki; Sebastian Brixey-Williams, đồng giám đốc của Viện nghiên cứu Basic cho biết.

Thêm gợi ý từ động thái của Nga

Hôm 28/2, có một tín hiệu từ chính Điện Kremlin rằng tuyên bố của họ chủ yếu là một hình thức ngoại giao. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết quyết định này được đưa ra nhằm đáp lại nhiều cảnh báo của phương Tây về việc có thể xảy ra "va chạm và đụng độ giữa NATO và Nga". 

Matthew Harries, một chuyên gia về hạt nhân của viện nghiên cứu Rusi , cho biết những tuyên bố này là một lời cảnh báo. Trước hết, đó là lời đe dọa đơn giản - “chúng tôi có thể làm tổn thương bạn, và chiến đấu với chúng tôi rất nguy hiểm” và mặt khác là lời nhắc nhở đối phương Tây không nên đi quá xa trong việc hỗ trợ trang bị vũ khí cho Ukraine.