Khả năng Trung Quốc "không hề hấn" nếu Mỹ cấm Tiktok

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ByteDance sở hữu TikTok trên giấy tờ nhưng trên thực tế, những tổn thất tiềm tàng do việc chặn ứng dụng sẽ do các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân Trung Quốc gánh chịu

Sự sụp đổ của TikTok ở Mỹ hiện có nhiều khả năng xảy ra hơn bao giờ hết sau khi Hạ viện thông qua áp đảo luật pháp buộc ByteDance, chủ sở hữu TikTok của Trung Quốc, phải bán ứng dụng này hoặc đối mặt với lệnh cấm.

Trong khi những diễn biến này gây ra đồn đoán về tương lai của ứng dụng phổ biến và những người mua tiềm năng, thì phản ứng của Trung Quốc cho thấy sự kiềm chế một cách bất thường.

Lệnh cấm Tiktok tại Mỹ được cho là gây tổn hại cho Washington nhiều hơn là Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Lệnh cấm Tiktok tại Mỹ được cho là gây tổn hại cho Washington nhiều hơn là Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Ngoài cáo buộc Mỹ “bắt nạt”, Bắc Kinh không đe dọa trả đũa hay tăng cường tuyên truyền. Có khả năng là Trung Quốc đang kiềm chế sự chỉ trích vì đạo luật này có thể bị thất bại tại Thượng viện Mỹ, nơi khả năng thông qua còn chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, một lời giải thích hợp lý hơn nữa là Trung Quốc có thể không mất nhiều như vậy ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok. Bắc Kinh thậm chí có thể thu lợi từ cuộc chiến gây chia rẽ diễn ra tại các tòa án Mỹ về các vấn đề tự do ngôn luận chắc chắn sẽ nổ ra nếu Tổng thống Joe Biden ký một đạo luật như vậy, đặc biệt là chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử.

Một khi lệnh cấm có hiệu lực, "ngày tàn" của TikTok sẽ đến vì ByteDance sẽ không nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Trung Quốc để bán công nghệ cốt lõi – thuật toán mạnh mẽ ảnh hưởng đến mức độ tương tác của người dùng. Những người mua tiềm năng ở Mỹ mong đợi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cho phép bán viên ngọc quý công nghệ "cây nhà lá vườn" dưới áp lực của Washington.

Mặc dù ByteDance sở hữu TikTok trên giấy tờ nhưng trên thực tế, những tổn thất tiềm tàng từ khả năng ứng dụng này bị khóa sẽ do các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân Trung Quốc gánh chịu. Các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ cùng với các nhà đầu tư công nghệ nước ngoài sở hữu 60% cổ phần của công ty, trong khi những người sáng lập và nhân viên Trung Quốc kiểm soát phần còn lại. Cùng với những nhà đầu tư này, "bên thua" rõ ràng sẽ là nhân viên của ByteDance, chưa nói đến 170 triệu người Mỹ sử dụng ứng dụng này.

Ngược lại, thật khó để đánh giá mức độ thiệt hại mà lệnh cấm có thể trực tiếp gây ra cho Bắc Kinh, mặc dù đó dường như là động lực chính đằng sau việc Quốc hội Mỹ ủng hộ đạo luật này.

Bên cạnh việc tránh bất kỳ tổn thất tài chính tiềm tàng nào từ việc đặt TikTok ngoài vòng pháp luật, Trung Quốc sẽ không bị tước đi công cụ thu thập dữ liệu về công dân Mỹ vì có thể có được công cụ này một cách hợp pháp bằng cách mua từ bên thứ ba. 

Nếu lệnh cấm TikTok có thể gây tổn hại cho Trung Quốc ở mức độ khiêm tốn, thì thiệt hại tiềm tàng của nó đối với hình ảnh của Mỹ như một pháo đài tự do ngôn luận và tư pháp độc lập có thể là đáng kể. Rất có thể, Bắc Kinh sẽ không chấp thuận việc bán TikTok của ByteDance, do đó buộc công ty này phải kiện chính phủ Mỹ để cứu hoạt động kinh doanh tại Mỹ.

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu các tòa án ở Mỹ có thể bãi bỏ lệnh cấm được đề xuất một khi nó trở thành luật, nhưng các phán quyết trước đây của các thẩm phán liên bang chống lại nỗ lực đặt ứng dụng này ra ngoài vòng pháp luật ở Mỹ và ở Montana cho thấy TikTok có cơ hội chiến đấu.

Trung Quốc có thể được hưởng lợi ngay cả khi TikTok không thuyết phục được tòa án rằng lệnh cấm là vi hiến. Bắc Kinh có thể sử dụng vụ việc này làm bằng chứng mới nhất về việc chính trị hóa ngành tư pháp Mỹ.

Vì cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là về cả quyền lực cứng (quân sự và kinh tế) và quyền lực mềm (ý thức hệ), kết quả cuối cùng của cuộc chiến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách phần còn lại của thế giới nhìn nhận cách Mỹ xử lý vấn đề gai góc này. 

Hiện tại, Bắc Kinh rõ ràng tin rằng những người ủng hộ lệnh cấm đã tự đặt cho mình một cái bẫy. Dù hoài nghi nhưng Bắc Kinh có thể không sai về hậu quả khi Tiktok kết thúc ở Mỹ.