Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc:

Khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác cấp nước phòng cháy, chữa cháy

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra văn bản về việc đôn đốc tổ chức triển khai các nhiệm vụ trong công tác cấp nước phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và đảm bảo điều kiện về giao thông trên địa bàn.

Nhiều tồn tại liên quan đến công tác PCCC

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian vừa qua, các cấp, các ngành đã quan tâm, đầu tư và đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, giao thông và nguồn nước phục vụ công tác PCCC.

Tuy nhiên, theo thống kê, nắm bắt tình hình và báo cáo của Công an tỉnh cho thấy 9/9 UBND các huyện, thành phố chưa có văn bản chỉ đạo giải quyết nguồn nước PCCC tại địa phương theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công an và UBND tỉnh.

Công tác cấp nước PCCC tại các địa phương tại Vĩnh Phúc vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót: số trụ nước còn thiếu so với quy định; hệ thống cấp nước PCCC nhiều nơi đã xuống cấp; nhiều trụ không có nước hoặc có nhưng áp lực, lưu lượng nước không đảm bảo, bị hư hỏng (mất nắp, hỏng van khóa, đầu nối...) nhưng không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời;

Số bể nước, hố thu nước xe chữa cháy không tiếp cận lấy nước được còn chiếm tỷ lệ cao; việc quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch,...) chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện trường vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 5/7 đã thiêu rụi xưởng sản xuất kinh doanh bao bì tại thành phố Phúc Yên. Ảnh: Lương Giang. 
Hiện trường vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 5/7 đã thiêu rụi xưởng sản xuất kinh doanh bao bì tại thành phố Phúc Yên. Ảnh: Lương Giang. 

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có tổng số 601 trụ nước chữa cháy được bố trí tại các tuyến đường của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Trong đó có 583 trụ nước hoạt động tốt, 18 trụ nước bị hỏng, không cấp được cho xe chữa cháy;

Có 486 bể nước xe chữa cháy lấy được nước (chủ yếu ở trong các công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp); 645 ao (trong đó có 429 ao xe chữa cháy lấy được nước, và 216 ao xe chữa cháy không lấy được nước).

Có 209 hồ xe chữa cháy lấy được nước, 19 hồ xe chữa cháy không lấy được nước); có 8 sông, nhưng chỉ 3 sông xe chữa cháy lấy được nước; có 11 suối nhưng đều trong tình trạng xe chữa cháy không lấy được nước; và 39/39 kênh xe chữa cháy lấy được nước.

Cơ quan chức năng cũng xác định, có 44 vị trí lắp đặt trụ bê tông, cổng chào, barie chắn đường trên các trục đường giao thông, trên đê (không đảm bảo chiều rộng tối thiểu 3,5m, chiều cao tối thiểu 4,5m để cho các phương tiện chữa cháy di chuyển.

Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị

Trước những hạn chế, thiếu sót trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác cấp nước PCCC.

Cụ thể: Yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, Công an tỉnh, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đôn đốc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc để tổ chức triển khai hoạt động, nhiệm vụ trong công tác cấp nước PCCC, trong đó tập trung chỉ đạo vào các nội dung: quy hoạch cấp nước PCCC; thiết kế, xây dựng hệ thống cấp nước PCCC; đầu tư, quản lý, duy tu, bảo vệ công trình, thiết bị cấp nước PCCC; công tác truyền thông về cấp nước PCCC.

Đồng thời, tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản đã triển khai. Các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, UBND huyện, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp cấp nước, thoát nước triển khai việc kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng của các trụ lấy nước.

Đối với các trụ nước không sử dụng được cần phải kịp thời đề xuất các đơn vị có liên quan thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa; lập danh mục ao, hồ, sông, suối, bến bãi lấy nước chữa cháy tại các khu đô thị và khu công nghiệp, đặc biệt là các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, làng nghề hoặc khu dân cư cũ.

Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của tỉnh đánh giá một cách toàn diện vấn đề cấp nước PCCC, từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp giải quyết nguồn nước PCCC phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa bàn.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc thực trạng cấp nước PCCC. Định kỳ kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về cấp nước PCCC.

Xây dựng hoàn thiện bản đồ giao thông, nguồn nước, trên đó thể hiện vị trí các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, các trụ nước chữa cháy, bến lấy nước, hố thu nước, bể nước, trữ lượng và khả năng lấy nước của các nguồn nước chữa cháy. Đặc biệt chú ý đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, thiếu nước chữa cháy; các khu vực không có nguồn nước tự nhiên và hệ thống cấp nước đô thị.

Chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát việc xây dựng bể nước dự phòng tại các khu vực không thể lắp đặt họng, trụ lấy nước PCCC, không có hệ thống cấp nước tập trung; thiết kế, lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy ngầm đối với phố, ngõ, ngách không bố trí được họng, trụ nước chữa cháy nổi.

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng về PCCC vào quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tiến hành rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp, giải pháp đảm bảo về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đặc biệt chú trọng đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, thiếu nước chữa cháy, hạ tầng giao thông chật hẹp; các khu vực không có nguồn nước tự nhiên và hệ thống cấp nước đô thị; các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, làng nghề hoặc khu dân cư cũ.

Trên cơ sở đó lập phương án, kế hoạch báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo đầu tư hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy (họng, trụ lấy nước phòng cháy, chữa cháy, bến bãi, bể nước dự phòng...) trên địa bàn toàn tỉnh.