Khai mạc Olympic 2016 tại Brazil: Bài học xương máu từ Athens

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 12 năm, khi đăng cai tổ chức Olympic 2004, Hy Lạp đặt kỳ vọng lớn vào sự kiện này như một cú hích kinh tế, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Cơ hội này giờ được trao cho Brazil với Olympic Rio 2016 khai mạc vào hôm nay (5/8). Xứ sở Samba liệu có tận dụng cơ hội này tốt hơn quốc gia các vị thần? 
Thế vận hội Rio 2016 được coi là cơ hội để Brazil củng cố hình ảnh, thúc đẩy kinh tế.
Thế vận hội Rio 2016 được coi là cơ hội để Brazil củng cố hình ảnh, thúc đẩy kinh tế.
Olympic Athens được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài cho đến nay. Giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỷ Euro để tổ chức Thế vận hội, trở thành kỳ Olympic “đắt đỏ” nhất đến thời điểm đó. Con số này thực tế đã vượt gần “gấp đôi” so với dự kiến, với hàng loạt chi phí phát sinh vào phút chót, trong đó gồm gần 1 tỷ Euro để đảm bảo an ninh cho Olympic sau mối lo ngại khủng bố từ sự kiện 11/9.

Vấn đề là vào năm 2001, Hy Lạp vừa trải qua một thời gian dài phấn đấu để đủ tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Do đó, những khoản chi tiêu lãng phí để được đăng cai Olympic đã làm trầm trọng thêm tình trạng nợ công. Chỉ vài ngày sau lễ bế mạc Olympic 2004, chính quyền Athens báo cáo mức nợ công lên tới 168 tỷ Euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,3%. Những công trình được xây dựng phục vụ Olympic sau đó hầu như không được sử dụng và xuống cấp, càng đẩy Athens lún sâu vào những khoản nợ công khổng lồ.

Trường hợp của Brazil, cuộc khủng hoảng về cả kinh tế, chính trị đẩy nước này vào tình trạng còn đáng lo ngại hơn Hy Lạp 12 năm về trước. Danh sách dài dằng dặc những bê bối của quốc gia này bao gồm án luận tội Tổng thống treo lơ lửng, cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, vụ tham nhũng lớn chưa từng thấy của tập đoàn dầu lửa quốc gia và đại dịch Zika hoành hành. Kinh tế Brazil dự kiến sẽ suy giảm khoảng 4% trong năm nay do giá hàng hóa thấp, nguồn cầu yếu từ Trung Quốc và làn sóng điều tra tham nhũng. Đối diện với doanh thu thuế sụt giảm, chính quyền Brazil đã phải cắt giảm ngân sách dành cho y tế, an ninh và giáo dục. Nhiều giáo viên và bác sĩ bị hoãn nhận lương đã tổ chức đình công, làm đình trệ hoạt động một số trường học và bệnh viện, gây phẫn nộ cho người dân. Chưa thể quên hình ảnh dòng người Brazil xuống đường ăn mừng khi Tổng thống Dilma Rousseff bị tuyên bố luận tội. Trong bối cảnh đó, Thế vận hội Rio được coi là cơ hội để Brazil vực dậy hình ảnh quốc gia.

Nhưng bài học xương máu của Hy Lạp cũng là lời cảnh tỉnh cho chính quyền Brazil rằng, việc tổ chức các sự kiện thể thao mang tầm toàn cầu vốn được kỳ vọng là đòn bẩy cho uy tín và nền kinh tế quốc gia, lại có thể trở thành gánh nặng cho người dân trong nhiều năm về sau. Hơn nữa, Hy Lạp vẫn là một mắt xích của EU và được liên minh này nâng đỡ khi gặp khó khăn, nhưng Brazil thì khác. Với vai trò là đầu tàu kinh tế Mỹ Latinh, một khi lún sâu hơn vào khủng hoảng, quốc gia này sẽ “góp phần” lôi các quốc gia khác vào vòng xoáy đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần