Theo đó, điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (xã Thạch Xá-huyện Thạch Thất) sẽ giao cho Trung tâm VH-TT&TT huyện Thạch Thất tổ chức quản lý, khai thác phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Các sở ngành: VHTT&DL; TN&MT, Xây dựng, GTVT; NN&PTNT; KH&ĐT; Công an TP Hà Nội; UBND huyện Thạch Thất; Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Thạch Thất có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương theo đúng quy định pháp luật và TP Hà Nội, qua đó đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả.
Chùa Tây Phương được đặt trên đỉnh núi cao hơn 100m, kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi. Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Chùa đã được trùng tu nhiều lần đến thời nhà Tây Sơn 1788-1802, được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia, đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.