Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác "mỏ vàng" ẩm thực Hà Nội

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, đã được các chuyên gia, truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều món ăn đã lọt vào danh sách món ngon của thế giới.

Dù vậy, so với tài nguyên dồi dào, ẩm thực Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Điều đó cho thấy, việc ngành du lịch đưa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia một cách bài bản là thực sự cần thiết để khai thác nguồn lợi.

Nhiều giải thưởng quốc tế vinh danh ẩm thực Việt
Ẩm thực Hà Nội không đơn thuần là những món ngon, mà còn phản ánh sự khéo léo, tinh tế của người dân trong cách thưởng thức, chế biến. Nhiều du khách đến Hà Nội ngoài mục đích tham quan còn dành nhiều thời gian để thưởng thức món phở, chả cá Lã Vọng, bún chả Hàng Mành, bánh cuốn Thanh Trì...

Ngay những ngày đầu tháng 4/2024, trang hướng dẫn du lịch trực tuyến chuyên về ẩm thực truyền thống trên toàn thế giới Taste Atlas (Croatia), vừa công bố danh sách 100 món ăn đường phố ngon nhất châu Á, với nhiều đại diện đến từ Việt Nam.

Theo đó, trong danh sách của chuyên trang nổi tiếng, bánh mì là món Việt được xếp hạng cao nhất. Một đại diện nổi tiếng khác của Việt Nam là phở cũng góp mặt trong danh sách lần này. Bên cạnh đó, hàng loạt món Việt như cơm tấm, chả giò hay bánh xèo cũng được Taste Atlas vinh danh là những món ăn đường phố ngon nhất châu Á. Trước đó tháng 1/2024, trang web du lịch lớn của Mỹ - TripAdvisor vinh danh TP Hà Nội là điểm đến ẩm thực tốt nhất.

Tạ Hiện là một trong những con phố ẩm thực thu hút du khách của Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tạ Hiện là một trong những con phố ẩm thực thu hút du khách của Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đây không phải là lần đầu tiên ẩm thực Hà thành được các trang hướng dẫn du lịch trên thế giới vinh danh. Năm 2023, lần đầu tiên cẩm nang Michelin Guide đến Việt Nam và công bố danh sách gồm 103 nhà hàng được đề xuất và 4 nhà hàng đầu tiên của Việt Nam được gắn 1 sao Michelin, trong đó Hà Nội có 3 nhà hàng nhận được vinh dự này.

Thực tế cho thấy, ẩm thực Hà thành còn hấp dẫn với cả những chính khách quốc tế. Điển hình như hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả Hà Nội vào năm 2016; cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân thưởng thức món phở bò ở Hà Nội vào năm 2018. Trong tháng cuối cùng của năm 2023, cư dân mạng lại xôn xao trước hình ảnh Thủ tướng Belarus Roman Golovchenkoe cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng thức bánh mì, cà phê Việt Nam tại Hà Nội.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết cho rằng, các món ăn Hà Nội hấp dẫn bởi sự cân bằng về thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; đồng thời cầu kỳ trong cách chọn nguyên liệu, tinh tế trong quá trình chế biến nên giữ được hương vị đặc trưng của ẩm thực truyền thống... “Điều này khiến người dân Hà Nội cảm thấy tự hào về một Thủ đô có nền ẩm thực đa dạng, phong phú mang bản sắc riêng nhờ đó đã được định vị trên bản đồ ẩm thực thế giới” - bà Tuyết khẳng định.

 

Thời gian tới, ngành du lịch thông qua các hội chợ quốc tế sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam ra thế giới, trong đó chú trọng quảng bá những nhà hàng, khách sạn đã được Michelin Guide gắn sao. Đồng thời, ngành sẽ tổ chức hoạt động kết nối giữa DN lữ hành với các nhà hàng đã được Michelin Guide gắn sao tổ chức tour du lịch ẩm thực.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh

Đánh giá về giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ẩm thực Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên “bản đồ ẩm thực” thế giới, trong đó có nhiều món ngon đã tạo được thương hiệu với du khách quốc tế... Đây chính là tiềm năng lớn để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Từng bước xây dựng Food tour

Nắm bắt lợi thế của ẩm thực trong việc quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch, thu hút du khách, những năm gần đây, nhiều địa phương đã chú trọng đến việc phát triển ẩm thực, quy hoạch và xây dựng Food tour (bản đồ ẩm thực) để thu hút du khách. TP Hải Phòng đã thành công với sản phẩm du lịch Food tour, thông qua việc xây dựng bản đồ số về ẩm thực để du khách có thể dễ dàng trải nghiệm. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra nhiều trải nghiệm cho du khách thưởng ẩm thực cung đình.

Mặc dù một số địa phương đã bước đầu xây dựng bản đồ ẩm thực qua đó quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng du lịch ẩm thực tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa phát huy hết tiềm năng thu hút khách.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội đầu bếp Việt Nam Dương Văn Hùng cho rằng, Hà Nội đã hình thành một số tuyến phố ẩm thực nhưng còn lộn xộn, mất mỹ quan và chủ yếu là món ăn đường phố, món ăn nhanh, chưa giới thiệu được nét tinh hoa của ẩm thực Hà Nội.

“Ẩm thực Việt Nam còn được thể hiện qua văn hóa đường phố, tuy nhiên điều trở ngại ở đây là chất lượng thực phẩm. Các sở, ngành cần kiểm soát an toàn thực phẩm để nâng cao ẩm thực Việt Nam” - ông Dương Văn Hùng nêu rõ.

Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, nhiều công ty du lịch đã xây dựng sản phẩm Food tour, nhưng mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được hiệu ứng rõ rệt. Hoạt động truyền thông về ẩm thực còn rời rạc, kém hiệu quả trong việc quảng bá món ăn Việt ra thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực du lịch thiếu am hiểu sâu về văn hóa ẩm thực để giải thích cho du khách; chưa năng động tìm tòi, phục hồi các loại nguyên liệu, gia vị và cách thức chế biến các món ăn truyền thống, phát triển các món ăn mới.

 

Cần có quy hoạch tổng thể kinh doanh ẩm thực để phát triển ổn định, lành mạnh, khuyến khích cả nhà hàng sang trọng và ẩm thực đường phố cùng phát triển. Hà Nội đang trên đà tăng trưởng, dân số sẽ tiếp tục tăng lên, kinh doanh ẩm thực sẽ có nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Vì vậy cần đón đầu nhu cầu, xu thế để có quy hoạch phù hợp, đồng thời việc quy hoạch cũng phải luôn được điều chỉnh theo sự phát triển thực tế thì mới thành công.
Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, du lịch ẩm thực là ngành dịch vụ mang tính văn hóa, nghệ thuật cao. Vì vậy, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể kinh doanh ẩm thực để phát triển ổn định, khuyến khích cả nhà hàng sang trọng lẫn ẩm thực đường phố cùng phát triển. Để triển khai được tour ẩm thực chuyên đề ở Hà Nội, trước hết phải xác định được hai yếu tố “điểm nhấn” và “chuẩn”. Cụ thể, phải tìm được món ăn điểm nhấn để quảng bá, xây dựng hệ thống nhà hàng chuyên nghiệp về ẩm thực Việt Nam.

“Nhưng để làm được điều này TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển những nhà hàng được quốc tế công nhận, từ đó nâng tầm của ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung” - ông Nguyễn Công Hoan hiến kế.

 

Những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần được các cơ quan truyền thông lớn, những diễn đàn du lịch danh tiếng trên thế giới vinh danh, đó là cơ sở để DN du lịch phối hợp với các nhà hàng xây dựng tour ẩm thực. Tuy nhiên, để làm được điều này bên cạnh sự cố gắng của DN đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà quản lý, cần xem xét lại chiến lược, kinh nghiệm và cả về truyền thông, marketing… một cách bài bản. Qua đó, du lịch và ẩm thực Hà Nội nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung mới trở thành một sản phẩm đặc trưng có tính liên kết mạnh mẽ, thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Thủ đô, đến với Việt Nam.
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết