Thị trường rộng lớn
Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu cho thấy, lượng khách du lịch Hồi giáo quốc tế ước tính tăng từ 108 triệu lượt khách vào năm 2013 lên 160 triệu lượt khách vào năm 2019. Sau đại Covid-19, khách du lịch Hồi giáo sẽ trở lại mức 160 triệu khách vào năm 2024. Dự kiến, đến năm 2028 sẽ đạt 230 triệu lượt du khách Hồi giáo sẽ chấp nhận chi 225 tỷ USD để đi du lịch quốc tế.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí ở mức cao trên thế giới. Do vậy, các quốc gia luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. “Hiện, số lượng người Hồi giáo chiếm 1/4 dân số thế giới, riêng khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia là 255 triệu người. Đây là những thị trường gần với Việt Nam nên rất thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận khai thác nguồn khách không lồ này”- ông Khánh chia sẻ.
Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông du lịch Việt Phạm Phương Anh thông tin, nhận thấy tiềm năng rất lớn ở thị trường này, tại các hội chợ du lịch quốc tế, đơn vị đã đẩy mạnh tiếp xúc với các đối tác lữ hành quốc tế, để đàm phán, giới thiệu tuyến điểm, dịch vụ cung cấp… từ đó, xây dựng các sản phẩm dành riêng cho du khách Hồi giaó. “Chúng tôi đã thiết kế và xây dựng sản phẩm du lịch khi lấy 3 điểm chính là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội làm sản phẩm đặc trưng…” - bà Phương Anh nói.
Tương tự, nhằm thu hút du khách Hồi giáo đến từ Ấn Độ, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air đã tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại thị trường này. Đồng thời khai trương đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Mumbai (Ấn Độ). Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành thu hút lượng khách Hồi giáo từ quốc gia này.
Nhận định rõ tiềm năng từ thị trường Halal, từ năm 2022 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch khu vực Trung Đông, Nam Á, qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam tới khách du lịch Hồi giáo
Chuẩn bị chuyên nghiệp
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ…. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi từ những thị trường này đến Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phản ánh, hiện nay, Việt Nam mới có TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là những điểm du lịch chính đón dòng khách Hồi giáo, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của dòng khách này.
“Hệ thống sân bay trên cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện và ẩm thực dành cho người Hồi giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất và chỉ có sức phục vụ 70 khách. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có 3 thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch đến cầu nguyện. Còn tại Hà Nội, chỉ có 1 thánh đường duy nhất tại quận Hoàn Kiếm không đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách Hồi giáo”-ông Bình dẫn chứng.
Để có thể khai thác hiệu quả thị trường này, các chuyên gia du lịch cho rằng, rất cần dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo, doanh nghiệp đầu tư cung ứng những sản phẩm có chứng nhận Halal. Theo Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Trần Văn Tân Cương, trong quá trình đi du lịch thì người Hồi giáo tìm kiếm đầu tiên là thực phẩm Halal rồi mới tới cơ sở lưu trú phù hợp với người Hồi giáo.
Giám đốc Trung tâm Du lịch Hồi giáo (Bộ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Malaysia) Marina Muhamad cho biết, muốn thu hút dòng khách này bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên còn đòi hỏi đơn vị cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu về ẩm thực thông qua các nhà hàng đạt chuẩn Halal, đặc biệt phải có nơi để khách Hồi giáo cầu nguyện 5 lần một ngày. Các địa phương phải thể hiện sự thân thiện, gần gũi với người theo đạo Hồi, qua đó phải tạo cho du khách cảm giác an toàn, nhất là khi đến giờ cầu nguyện.
Để đón khách Hồi giáo, một số doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất. Đơn cử như khách sạn Delasea Hạ Long đã dành riêng 2 tầng với 36 phòng nghỉ có không gian sinh hoạt, khu vực bếp nấu hoàn toàn riêng biệt và có phòng cầu nguyện cộng đồng. Đồng thời mời chuyên gia của người Hồi giáo đến từ Malaysia để đào tạo, hướng dẫn quy trình nấu ăn và phục vụ theo đúng tiêu chuẩn Halal.
Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa doanh nghiệp Thủ đô tham gia Hội chợ FLAsia 2023 tổ chức tại (Singapore) qua đó các doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận hệ thống đại siêu thị Mydin chuyên cung cấp sản phẩm Halal cho người Hồi giáo. Hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị quốc tế mà còn minh chứng du lịch Việt Nam đủ điều kiện phục vụ du khách Hồi giáo.